Nhiều DN tuyển lao động mới; 65% DN cho rằng đầu tư ở Việt Nam có ít rủi ro hơn… là một số kết quả điều tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) vừa được đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố.
Trình bày kết quả điều tra các DN FDI, ông Michael A. Trueblood, Giám đốc Phòng phát triển và Quản trị nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, đây là năm thứ 6 nhóm nghiên cứu đưa các DN nước ngoài ở Việt Nam vào khảo sát.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu đã thu thập ý kiến của 1.584 DN FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam (những nơi có mật độ DN FDI tập trung cao nhất).
Theo đó, 11% DN cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 62% DN tuyển thêm lao động mới. Số lượng việc làm theo điều tra được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới của DN tăng lên nhanh chóng. Năm vừa qua, gần một nửa số DN trong mẫu điều tra cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động.
Báo cáo cũng ghi nhận sự xuất hiện của những thay đổi vì ngày càng có thêm các DN FDI ký hợp đồng với các DN tư nhân trong nước trong 2 năm qua.
Trong số nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc quốc gia đầu tư, 83% chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác.
Khi so sánh với các nước khác đang được cân nhắc đầu tư, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: Mức thuế suất thấp hơn, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, chính sách ổn định hơn…
Các vấn đề DN FDI quan tâm
Có hai loại rủi ro chính mà DN FDI quan tâm đó là lo ngại những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Mặc dù từ năm 2010, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này.
Tiếp đó là rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định khiến lợi nhuận kinh doanh của họ bị giảm sút.
Khoảng 70% số lượng các DN FDI cho biết phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết các thủ tục hành chính.
Năm 2015, chỉ có 29% DN FDI cho biết việc tiếp cận thông tin dễ dàng; 27% cho tiếp cận được nhưng vẫn còn khó khăn; số còn lại cho biết không tiếp cận được.
Đáng chú ý, số DN FDI ủng hộ Hiệp định TPP không cao như DN trong nước. Cụ thể, mức độ ủng hộ TPP của các DN trong nước là 73%; DN FDI từ các nước thành viên TPP là 67% và DN FDI ngoài TPP là 65%.
(theo baochinhphu.vn)