Hàng loạt DN FDI lớn đã lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đi đăng ký kinh doanh vận tải nhằm chuyên chở hàng hóa cho chính mình. DN đăng ký cấp phép vận tải thì không được, nhưng khi vận tải hàng hóa của mình lại bị phạt nặng.
Nhiều DN phải đầu tư phương tiện để vận chuyển nội bộ chứ không kinh doanh vận tải |
Nguyên nhân dẫn đến việc này là những quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải do Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ này.
Trước đây các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa chỉ áp dụng đối với những người chở hàng thuê cho người khác, chứ không áp dụng đối với cá nhân hoặc DN tự chở hàng của mình. Tuy nhiên, Nghị định 86 đã quy định áp dụng điều kiện kinh doanh cả với loại hình “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”.
“Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải nhưng đồng thời vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”. Nói cách khác, DN trong quá trình sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ mà có sử dụng vận tải để chuyên chở thì được coi là kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Hướng dẫn Nghị định 86, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định các trường hợp tự chở hàng phải xin giấy phép vận tải bao gồm: (1) phương tiện chở hàng nguy hiểm; (2) phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng; (3) có từ năm xe trở lên; hoặc (4) có xe từ 10 tấn trở lên.
Quy định nói trên áp dụng với mọi loại hình DN, nhưng đặc biệt làm khó các DN FDI. Lý do là, theo cam kết dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Việt Nam không cho phép các DN FDI từ 51% trở lên được kinh doanh vận tải.
Đại diện Vụ quản lí vận tải – Bộ GTVT cho biết cụ thể hơn, các doanh nghiệp FDI tự chở hàng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Đồng thời phải đáp ứng theo đúng qui định và lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Theo đó, tại cam kết WTO và kể từ ngày gia nhập, Việt Nam chỉ mở cửa thị trường dịch vụ này đối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh và liên doanh, trong đó tỉ lệ góp vốn của phía nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập, tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỉ lệ vốn góp nước ngoài không được vượt quá 51% và lái xe cho liên doanh phải là công dân Việt Nam.
Tóm lại, DN FDI muốn tự chở hàng cho mình thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải, tức là phải đăng ký kinh doanh vận tải. Nhưng điều này lại không được phép, vì lĩnh vực này hạn chế DN FDI.
Nút thắt
Từ những qui định trên, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% -100% có phương tiện vận tải trên 10 tấn và dưới 10 tấn đang lúng túng, đắp chiếu hàng loạt vì chưa tìm ra lối thoát. DN đăng ký cấp phép thì không được, xin cấp phù hiệu vận chuyển hàng hóa không xong, nhưng khi vận tải hàng hóa của mình lại bị phạt nặng.
Phản ánh với báo chí, đại diện Cty ADCO cho biết, hiện tại DN có trên 70 đầu xe trên 10 tấn hiện đang phải nằm im bất động, không dám chạy sợ bị phạt vì không có phù hiệu. Vì tính chất kinh doanh, DN phải đầu tư phương tiện để vận chuyển nội bộ chứ không kinh doanh vận tải. Nếu đòi hỏi phải có phương án kinh doanh trong ngành vận tải, mã ngành rồi mới cấp giấy phép kinh và phù hiệu thì DN chỉ có nước đóng cửa.
Tương tự, các DN FDI như Manuchar Việt Nam, Stole, Puma, NKV, Vietsovpetro cho biết do điều kiện và tính chất ngành nghề kinh doanh, DN phải đầu tư lên tới cả trăm đầu xe để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, xe không thể di chuyển và đang có nguy cơ phải đắp chiếu. Thuê phương tiện bên ngoài vào vận chuyển sẽ đẩy chi phí và giá thành sản phẩm lên cao.
Theo các chuyên gia, nút thắt của vấn đề nằm ở khái niệm kinh doanh vận tải. Khác với quan điểm của Bộ GTVT rằng tự chở hàng của mình cũng là kinh doanh vận tải, nhiều luật sư cho rằng kinh doanh chỉ bao gồm nội dung thu tiền trực tiếp, còn phần không thu tiền trực tiếp không được gọi là kinh doanh.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn trích lời luật sư viện dẫn khái niệm kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và cho rằng chỉ khi nào một người vận chuyển cung ứng dịch vụ vận tải “trên thị trường” (làm dịch vụ cho người khác) thì mới gọi là kinh doanh, còn việc vận chuyển hàng hóa của mình thì không thể gọi là kinh doanh vận tải.
Các lụât sư cho rằng cam kết WTO cũng sử dụng khái niệm kinh doanh theo nghĩa thứ nhất. Như vậy, cam kết WTO của Việt Nam chỉ áp dụng với các trường hợp kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp (cung cấp dịch vụ cho người khác), không áp dụng với trường hợp tự vận chuyển hàng hóa cho mình.
Quan điểm của Bộ GTVT
Trước những phản ánh và bức xúc của các DN, Bộ GTVT đã có Công văn gửi các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam… trong đó khẳng định các DN trên không thuộc diện DN được cấp phép cung cấp dịch vụ vận tải theo qui định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP và lộ trình cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bất hồi tố trong chính sách pháp luật và phù hợp với Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao môi trường cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2015-2016.
Tuy nhiên, xét trên góc độ thực tế và tính chất đặc thù, các DN kinh doanh trong lĩnh vực dầu mỏ, nhựa đường, hóa chất… Bộ GTVT đã đề xuất cấp có thẩm quyền trước mắt cho Bộ GTVT hướng dẫn các Sở GTVT thực hiện cấp phù hiệu cho phương tiện của các DN FDI kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ có yêu cầu đặc thù như: xăng dầu, khí hóa lỏng, nhựa đường, hóa chất (không thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), đồng thời quản lí về danh sách phương tiện của các DN được cấp phù hiệu.
Bộ này cũng đề xuất giao Bộ nghiên cứu đề xuất qui định đối với các DN có vốn góp trên 49% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ có yêu cầu đặc thù vào nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất trên của Bộ GTVT mới chỉ tính đến các DN kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, trong khi hàng loạt các DN FDI thuộc các lĩnh vực khác cũng đang gặp khó.
Có lẽ giải pháp khả thi nhất là Bộ GTVT thay đổi định nghĩa “kinh doanh vận tải” trong Nghị định 86, chỉ áp dụng điều kiện kinh doanh vận tải với các trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải cho người khác. Điều này không chỉ gỡ khó cho các DN FDI mà còn gỡ khó cho mọi loại hình doanh nghiệp. Trong trường hợp vận chuyển hàng hóa cho chính mình, thì các DN chỉ cần đáp ứng yêu cầu an toàn như các phương tiện vận tải của các đối tượng khác.
Thành Đạt