Những quy định 'siết' tín dụng vào thị trường bất động sản của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 dự kiến sẽ có hiệu lực đầu năm 2017 có thể làm 'gãy' kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo dự thảo, Thông tư 36 sửa đổi có nhiều điểm mới, nhưng “chát” nhất vẫn là những thay đổi liên quan đến vấn đề giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40% và tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản (BĐS) từ 150% lên 250%.
Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, tin rằng các quy định mới này nếu được thông qua thì ít nhất 1/3 nguồn vốn cho vay đối với BĐS sẽ bị giảm so với trước. “Hai năm gần đây, vốn cho thị trường BĐS rất lớn khiến nguồn cung tăng ồ ạt, mỗi năm khoảng 50.000 - 60.000 sản phẩm. Sau thời kỳ ngủ đông, gần như các doanh nghiệp (DN) đều nhảy ra làm BĐS, với kỳ vọng thu lời khi thị trường đang ấm lên. Tâm lý nhà nhà, người người làm BĐS đang trở lại. Ai cũng rất hồ hởi, hăng hái lao vào BĐS mà dần quên đi những năm đen tối của thị trường. Nhưng với động thái này, NHNN đang đưa ra lời cảnh tỉnh đối với các DN, nhà đầu tư. Nhất là những nhà đầu cơ không chuyên nghiệp muốn nhảy vào đánh quả, lướt sóng kiếm lời”, ông Nghĩa nhận xét.
Việc sửa đổi Thông tư 36 mặc dù chưa chính thức thông qua nhưng đã làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của các DN BĐS tại TP.HCM. Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó chủ tịch Tập đoàn Novaland, cho biết sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch theo hướng giảm xuống, dự án nào “lôm côm” sẽ bán bớt đi cho an toàn để tập trung phát triển về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Theo kế hoạch đưa ra vào cuối năm 2015, thì năm 2016 Novaland sẽ bán ra thị trường khoảng 7.000 căn hộ, tăng khoảng 1.000 căn hộ so với năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch mới sẽ bằng với năm 2015 là bán 6.000 căn hộ... là tốt.
Ngoài ra, tập đoàn cũng hạn chế tối đa mua dự án mới, chỉ những dự án đẹp, ngân hàng cho vay mới dám mua. “Nói chung là thị trường đang bộc lộ nhiều rủi ro nên không dám "máu" như năm vừa rồi. Năm nay siết như vậy, năm 2017 - 2018 sẽ còn siết hơn. Nên thời điểm này mình có hướng chuẩn bị trước để không bị sốc. Nếu thị trường, chính sách vậy mà cố làm hơn sẽ rất rủi ro”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, thị trường lúc này cần phải kiểm soát để tránh rủi ro cho DN, cho người dân và cả nền kinh tế. Nhưng làm thế nào để kiểm soát có lộ trình, điều tiết từ từ, không phải là “cắt cái bụp” để làm sao tránh gây sốc dẫn đến sụp đổ, gây hỗn loạn cho thị trường nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng do Thông tư 36 mới được triển khai thực hiện một năm, đang phát huy tác dụng tích cực đến nền kinh tế và góp phần củng cố đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp nên cần được tiếp tục thực hiện. Đến nay vẫn chưa có nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS, nên nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả khi xuất hiện hiện tượng đầu cơ như: đánh thuế chống đầu cơ, sử dụng công cụ tín dụng, sử dụng công cụ quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch phát triển không gian đô thị, phát triển các dự án nhà ở để điều tiết thị trường BĐS.
Trong khi đó, hiện nay nguồn lực của DN còn hạn chế, cần có sự hỗ trợ của nhà nước nếu giảm đột ngột sẽ làm khó cho DN, nhất là DN không đủ mạnh về tài chính.
“Nếu sửa đổi Thông tư 36 có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng, chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các nhà phát triển dự án BĐS (có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang) và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị, và cũng sẽ tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường BĐS và công ăn, việc làm của người lao động. Do đó, việc sửa đổi, cắt giảm cần phải có lộ trình, có thể mỗi năm giảm 5% thay vì cắt liền 20% như dự thảo", Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Nguyễn Đình Trung kiến nghị. |
Đình Sơn / thanhnien.vn