Hàng loạt doanh nghiệp gỗ đã phải đóng cửa trong tháng 4 khi không có đơn hàng và mất đi các thị trường xuất khẩu chính vì Covid-19.
Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam cho biết, trong tháng 4 đã có doanh nghiệp gỗ đóng cửa vì không có đơn hàng nào, như Công ty Govina tại Bắc Giang. Số khác thì rao bán nhà máy, như Công ty Kim Sen, Công ty BHL Tân Sơn...
Kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ quý I đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ nhưng kết quả này là nhờ phần lớn đơn hàng còn lại của năm 2019 kéo sang. Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng này chỉ đạt 323 triệu USD, giảm tới 44% so với cùng kỳ, dự báo đến tháng 5 còn 30% và có thể giảm sâu hơn nữa vào tháng 6-7 do không có đơn hàng.
Công nhân trong phân xưởng sản xuất gỗ một công ty ở Bình Dương. Ảnh: Hiệp hội Gỗ Bình Dương.
Do đó, Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính miễn thuế xuất khẩu 25% với gỗ xẻ phôi có nguồn gốc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng tốt. Việc này giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động, giải phóng lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay.
Do dịch bệnh, giá dăm gỗ giảm sút, sản xuất gỗ dán bị mất hai thị trường chính là Hàn Quốc và Mỹ. Vì thế Hiệp hội cũng đề nghị được miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ trong 9 tháng (từ tháng 3 đến tháng 12/2020).
Hiệp hội này cũng phản ánh các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang rất khó tiếp cận vốn do vướng thủ tục chứng minh thiệt hại, giảm thu nhập do Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Có doanh nghiệp nộp hồ sơ cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng không rõ khi nào sẽ được xét duyệt. Vì thế, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gỡ khó những vướng mắc về thủ tục nêu trên.
Mong muốn tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn cũng là đề nghị của nhiều hiệp hội doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng. Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, khoảng 60% doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận các chính sách chưa thuận lợi. Các hiệp hội này mong muốn Chính phủ chỉ đạo việc tiếp cận các chính sách dễ dàng hơn.
Trong bản kiến nghị dài 23 trang gửi Thủ tướng, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận xét, nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi cho vay của ngân hàng, điều kiện vay vốn khắt khe, thủ tục rườm rà. Vì thế, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc "xin - cho" bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.