Mặc dù đều là những đơn vị chịu tác động trực diện, nặng nề nhất từ dịch Covid 19 nhưng các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang đoàn kết, chủ động chia sẻ để cùng khó khăn.
Dịch bệnh Covid19 đang khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sút nghiêm trọng.
Đây là khẳng định của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tại cuộc họp về ảnh hưởng của dịch cúm Covid 19 do Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội sáng nay.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết chưa bao giờ ngành hàng không đoàn kết như bây giờ. Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dù bị khó khăn do hàng hoạt đường bay đến đây ngừng khai thác nhưng vẫn kiến nghị Bộ GTVT cho đơn vị này giảm giá cho thuê mặt bằng sân bay thấp hơn khung giá mà Bộ GTVT quy định ( giá này không thu nộp ngân sách mà sân bay hưởng) để hỗ trợ các hãng.
“Ngoài sân bay Vân Đồn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) cũng sẽ sớm họp thống nhất giảm các giá, phí dịch vụ này mà đơn vị cung cấp cho các hãng hàng không. Các đơn vị suất ăn, xăng dầu đã giảm phí trong thẩm quyền của mình cho các hãng hàng không và cho các hãng trả tiền dịch vụ chậm so với quy định. Bởi vì vấn đề cấp bách nhất là doanh thu các hãng giảm đột ngột, việc giảm chi phí giảm không thể nhanh bằng doanh thu nên dòng tiền bị đứt, thu không đủ để trả các khoản chi”- ông Thắng dẫn chứng.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, ngoài việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, các hãng hàng không đã cắt giảm 47 % số chuyến bay giữa Việt Nam – Hàn Quốc, cắt giảm 69% số chuyến bay với Đài Loan, giảm 25% chuyến bay với Hồng Kông. Do vậy sản lượng vận chuyển khách đã giảm nghiêm trọng từ trung bình 26.000 khách/ngày còn khoảng 8.000 -12.000 khách/ngày.
Theo ông Thắng với diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỉ đồng.
Ngoài các hãng hàng không, các sân bay của ACV, sân bay Vân Đồn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giảm các chuyến bay.
Sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong tháng 2/2020 chỉ đạt 78,3% kế hoạch khi giảm điều hành 640 chuyến bay/tuần, chưa kể các chuyến bay quốc tế quá cảnh qua vùng trời Việt Nam cũng giảm. Trong khi đó một số hãng hàng không đề nghị chậm thanh toán gần 30 tỉ đồng tiền dịch vụ điều hành bay cho Tổng công ty Quản lý bay.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT phương án giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong 3 tháng kể từ 1/3/2020; miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1/3/2020. Phương án này giúp các hãng hàng không giảm tổng chi phí khoảng 1.918 tỉ đồng gồm 204 tỉ đồng từ chính sách giảm giá dịch vụ và 1.714 tỉ đồng từ miễn thuế.
Nếu áp dụng chính sách trên nhưng chỉ giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1/3, các hãng hàng không giảm chi phí khoảng 1.061 tỉ đồng, trong đó có 857 tỉ đồng từ thuế nhiên liệu.