Chi phí logistics hàng không đang ở mức cao so với khu vực - Ảnh: Internet |
"Ba doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang chiếm 12% thị phần logistics hàng không, trong khi đó các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ..."
Chi phí logistics quá cao!
Thông tin trên được ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Vietjet Air Cargo chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 diễn ra ngày 15.12. Ông Quang cho biết thị trường hàng không Việt Nam rất năng động và có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Phát triển vận tải hàng không giúp Việt Nam kết nối với khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, hiện vận tải hàng không của Việt Nam chiếm một phần nhỏ trong khối lượng hàng hóa Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Vận tải hàng không đóng góp 3 tỉ USD vào GDP cả nước. Năm 2016, cảng hàng không của Việt Nam thông quan 1,1 triệu tấn hàng hóa, năm 2017 dự kiến là 1,4 triệu tấn. Đến năm 2020, khoảng 2,5 triệu tấn.
"Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang chiếm 12% thị phần logistics hàng không, trong khi đó các hãng nước ngoài (58 hãng) chiếm tới 80% trong việc xuất khẩu quốc tế. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ", ông Quang lo ngại.
Trong khi đó, cước vận tải hàng không Việt Nam vẫn cao hơn khu vực. "Đơn cử như trường hợp cước phí vận chuyển hàng không từ Hải Phòng đi Hồng Kông rẻ hơn từ Hải Phòng về Hà Nội. Đây là bài toán khiến chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn, hàng không chưa có đường bay chuyên chở vận tải hàng hóa khiến cước cao. Ngược lại, cước cao khiến doanh nghiệp không sử dụng dịch vụ vận tải hàng không. Vậy thì chúng tôi muốn xem quy hoạch và định hướng dài hạn cho bài toán cước phí hiện tại của hàng không Việt Nam?", đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát biểu.
Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chi phí logistics ở Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,8% GDP (các nước phát triển từ 9 - 14%), đóng góp khoảng 3% vào GDP. Tỷ lệ thuê ngoài khoảng 35 - 40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỉ USD, tương đương 20,8% GDP. Trong đó doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8,74 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 15,6%.
Nhiều DN ngoại tham gia "miếng bánh" logistics Việt
Trước đây, tại Việt Nam, do giới hạn trong tỷ lệ cổ phần sở hữu nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược. Nhưng hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập trong lĩnh vực logistics được dự báo sẽ sôi động hơn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
Thông qua việc đầu tư vào những doanh nghiệp logistics nội địa đang hoạt động tốt, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Điều này giúp họ giảm được nhiều chi phí gia nhập thị trường so với việc bắt đầu xây dựng từ đầu.
Báo cáo đưa ra tại Diễn đàn cho biết các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam như là một xu hướng hiện nay. Có thể kể vài tên tuổi lớn như: DHL Supply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF...
Một ví dụ khác là Samsung SDS (một công ty con của Tập đoàn Samsung) liên doanh với Công ty CP Logistics Hàng không (ALS - Aviation Logistics Service) để tham gia mảng kinh doanh logistics tại ga sân bay Nội Bài (Hà Nội), khi nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực logistics tại thị trường Việt Nam với mức tăng trưởng 15 - 20% mỗi năm. Theo đó, Samsung SDS sẽ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuế hải quan; phía ALS sẽ đóng góp mạng lưới khách hàng nội địa và tìm kiếm thêm khách hàng. Không những thế, thời gian qua nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp trong nước với các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã được triển khai, giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển.
Ví dụ, các hãng tàu Nhật Bản rất quan tâm đến việc phát triển các cảng container nước sâu tại Việt Nam, cả ở khía cạnh đầu tư lẫn khai thác. Hãng tàu MOL có vốn đầu tư tại cả hai cảng nước sâu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện (cảng container quốc tế Hải Phòng). Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã từng “kết giao” với các hãng NYK và Mitsubishi để thực hiện dự án khai thác cảng container đầu tư bằng vốn ODA tại Cái Mép - Thị Vải. Sự quan tâm đến Cái Mép - Thị Vải của MOL và NYK chứng tỏ rằng, các hãng này ghi nhận vai trò của cụm cảng và mong muốn khai thác ở mức cam kết cao nhất.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như: dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển... và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.
Tuyết Nhung / motthegioi