Sau thành công của Viettel, FPT, nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) “nối gót” nhau khai phá thị trường nước ngoài…
VNPT ‘mở ra-đa’ xuất khẩu sản phẩm ICT
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) có lẽ là doanh nghiệp tích cực nhất trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường ra nước ngoài trong thời gian qua. VNPT giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình tới 30 quốc gia như Quatar, Malaysia, Iran, các nước Đông Âu, Ấn Độ… và đã xuất khẩu sang 6 nước với doanh thu khoảng 4 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp ICT.
VNPT đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ cung cấp các sản phẩm sản xuất công nghiệp của mình đến các nhà mạng, đối tác tại ít nhất 10 quốc gia, đạt doanh thu hàng trăm triệu USD
“Trong năm qua, VNPT đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn đang xúc tiến thành lập liên doanh thiết lập mạng viễn thông tại Myanmar. Trong năm 2017, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài tại một số thị trường như châu Á và châu Âu theo định hướng không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mà sẽ kết hợp với việc cung cấp và chuyển giao sản phẩm công nghệ, sản phẩm công nghiệp, cũng như các dịch vụ công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết.
Còn theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT, Tập đoàn đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ cung cấp các sản phẩm sản xuất công nghiệp của mình đến các nhà mạng, đối tác tại ít nhất 10 quốc gia, đạt doanh thu hàng trăm triệu USD, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
VNG, Thế giới Di động tiếp bước…
Trong khi VNPT đang mải mốt xuất khẩu phần cứng ICT, thì một “ông lớn” khác là VNG cũng âm thầm “xuất khẩu” các dịch vụ, ứng dụng phần mềm ra thị trường nước ngoài. Một năm trước, tháng 3/2016, VNG quyết định đưa mạng xã hội Zalo của mình sang thị trường Myanmar, đất nước có khoảng cách địa lý không quá chênh lệch, đang trong quá trình tăng trưởng nhanh chóng về mạng 3G, thị trường đang phát triển giống Việt Nam... Bắt đầu triển khai từ tháng 6/2016 và đến tháng 10/2016, Zalo bất ngờ đạt được 2 triệu người dùng.
“Myanmar là một thị trường đủ lớn và nếu phát triển tốt ở thị trường này thì số lượng người dùng sẽ tương đương với Việt Nam. Mục tiêu lâu dài của Zalo là chiếm khoảng 50% số lượng người dùng Internet di động ở Myanmar, tương đương khoảng 9-10 triệu người dùng”, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG cho biết.
Cùng với VNPT, VNG, Thế giới Di động, sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp ICT khác, đặc biệt là các ứng dụng Việt, các star-up đang hình thành một “thế trận” mới trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài. Hy vọng rằng, với những “quân tiên phong” như Viettel, FPT, những “tân binh” sẽ đánh chiếm thành công thị trường nước ngoài, mang lại nhiều lợi ích, kinh nghiệm cho đất nước, tạo động lực cho hàng ngàn doanh nghiệp khác đầu tư ra nước ngoài. |
VNG đang theo đuổi mục tiêu trở thành công ty Internet Việt Nam có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trước đó, năm 2012, VNG đã tự xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm và xuất khẩu 2 trò chơi “Khu vườn trên mây” và “Ủn ỉn” thành công tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.
Cùng với VNG, sau khi có hệ thống phân phối sản phẩm ICT với gần 1.300 siêu thị tại Việt Nam, đạt doanh thu xấp xỉ 2 tỷ USD/năm, Thế giới Di động đã bất ngờ có mặt tại thị trường Campuchia vào đầu tháng 3/2017 với cửa hàng BigPhone.
Ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới Di động tiết lộ rằng, doanh nghiệp này đang nhắm đến việc mở 10 - 15 cửa hàng tại Campuchia ngay trong năm 2017. Campuchia chỉ là bước tiến đầu tiên của Thế giới Di động trong kế hoạch thâm nhập sâu hơn thị trường các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, kế hoạch phủ sóng sang Lào, Campuchia và Myanmar đang được thực hiện.
Tú Ân / baodautu