Tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài sản thế chấp, về thời gian hoạt động chưa đủ gây dựng niềm tin... là lý do khiến ngân hàng thường e ngại khi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay vốn. Theo các chuyên gia, nếu cơ quan quản lý xây dựng trung tâm thông tin để doanh nghiệp và ngân hàng dễ dàng trao đổi thông tin và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nguồn vốn vay sẽ đến với DNNVV nhiều hơn.
DN nhỏ và vừa khó vay vốn ngân hàng vì thường không có đủ tài sản đảm bảo. Ảnh: Ngọc Châu. |
Thiếu vốn - vòng luẩn quẩn
Ngày 5/10, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo giải pháp tín dụng cho DNNVV. Theo thống kê, DNNVV chiếm 97% tổng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% GDP; 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Ông Bùi Ngọc Tường, Tổng Giám đốc doanh nghiệp chuyên vận hành, quản lý các nhà máy nước sạch cho biết, công ty rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm bảo. “Diện tích nhà xưởng, đất của chúng tôi được nhà nước cho thuê miễn phí nên cán bộ ngân hàng nói nếu xảy ra rủi ro không thể thu hồi đất này. Về tài sản của công ty chủ yếu là đường ống cấp nước cho người dân, khi cần thu hồi nợ xấu, cán bộ ngân hàng không thể đào ống nước lên nên ngân hàng không cho chúng tôi vay vốn”, ông Tường cho biết.
Là doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp, ông Lâm Văn Chiều, Phó Giám đốc Cty TNHH Cường Tân - doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai cũng nói: Cái khó là diện tích sản xuất lớn nhưng đi thuê của nông dân và quy hoạch thành “Cánh đồng mẫu lớn” với vốn đầu tư xây dựng trung bình 60 triệu đồng/ha. Do phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn nên ông Chiều đề nghị ngân hàng xem xét doanh nghiệp làm ăn hiệu quả được tăng tỷ lệ vay tín chấp, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Sản xuất lúa giống phải đầu tư nhiều hạ tầng ở nhiều khâu từ bảo quản kho lạnh nên chúng tôi đề nghị được tăng tỷ lệ vốn vay dài hạn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp mạnh dạn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Chiều đề xuất.
Theo bà Lê Phương, Giám đốc Cty TNHH Chè Á Châu, việc thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ trở thành vòng luẩn quẩn. Vốn ít, đầu tư công nghệ thấp, khiến năng suất thấp và kéo theo tốc độ tăng trưởng thấp. Từ đó, khó tích luỹ vốn cho nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mở rộng tín dụng cho DNNVV đang đối mặt với nhiều rủi ro như sử dụng vốn sai mục đích; sử dụng vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Rủi ro do doanh nghiệp mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường. Rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch.
Ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, DNNVV gặp nhiều bất lợi khi tiếp cận tín dụng. DNNVV thường chưa đủ thời gian để xây dựng lòng tin với ngân hàng. Tỷ lệ “sống” của doanh nghiệp mới ra đời này thấp dễ tạo rủi ro lớn cho ngân hàng. Cũng theo ông Hùng, DNNVV thường không đủ khả năng để lập dự án chi tiết nhằm thuyết phục ngân hàng.
Sợ dính vòng lao lý
Theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, lãi suất không phải điểm nghẽn giữa doanh nghiệp và ngân hàng mà quan trọng nhất là thiếu thông tin trao đổi giữa đôi bên. Hiện nay, doanh nghiệp thiếu minh bạch về thông tin, tài chính, phương án kinh doanh; Chủ doanh nghiệp ngại hoàn thiện hồ sơ để vay vốn (do thiếu cán bộ hoặc nghĩ thủ tục phức tạp); thiếu tài sản đảm bảo nên ngân hàng khó cho vay vốn.
“Nghề ngân hàng là huy động vốn và cho vay nhưng DNNVV khó tiếp cận vốn vì rủi ro tín dụng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa mặn mà mua bảo hiểm cho khoản vay. Hơn nữa, vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế đã khiến cán bộ tín dụng e ngại cho vay khi doanh nghiệp chưa đủ các điều kiện, bởi xảy ra rủi ro cán bộ ngân hàng sẽ vướng vào lao lý. Chúng tôi mong muốn bớt việc hình sự hóa quan hệ kinh tế”, ông Lực nói.
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 8/2017, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 1,29 triệu tỷ đồng; tăng 7,49% so với cuối năm 2016 và chiếm hơn 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng tích cực tiếp cận nhóm DNNVV với nhiều chương trình cho vay ưu đãi. Cụ thể như chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương đã tổ chức 260 buổi gặp, thảo luận, gỡ khó cho doanh nghiệp với cam kết cho vay trên 390.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt 375.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 doanh nghiệp. Ngân hàng gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Ngân hàng còn áp dụng giảm lãi suất, giảm phí cho gần 6.000 doanh nghiệp với tổng dư nợ 17.000 tỷ đồng.
Trước đề nghị giảm lãi suất cho vay của một số doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: Ngân hàng rất sẵn sàng hạ lãi suất xuống như chỉ đạo của Chính phủ nhưng để hạ lãi suất cho vay phải hạ lãi suất huy động (mà như thế sẽ không huy động được người gửi tiền). “Ngân hàng là trung gian, lãi suất phải nhìn cả đầu ra - đầu vào và tỷ suất lợi nhuận, lạm phát. Mong muốn giảm lãi suất là chủ trương của Đảng, Chính phủ và NHNN cũng mong muốn, nếu có thể giảm, chúng tôi sẽ giảm ngay”, ông Tú nói. |
Quỳnh Nga - Phạm Anh / Báo Tiền Phong