Trong cuộc đối thoại với Cục Thuế TP.HCM hôm qua (16.3), nhiều doanh nghiệp cho biết họ thấy đơn độc khi không ai bảo vệ mình trong việc đi đòi nợ hoàn thuế.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang gục ngã khi một bên ngân hàng siết nợ, một bên Cục Thuế cưỡng chế...
Đột nhiên thành con nợ của thuế
Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và Cục Thuế nóng hừng hực khi DN tiếp tục tính sổ nợ hoàn thuế. Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty Hòa Thuận (kinh doanh cao su), cho biết DN có quyết định hoàn thuế GTGT từ tháng 1 và tháng 2.2016 gần 40 tỉ đồng phát sinh từ tháng 9 và tháng 10.2015, nhưng chờ hoài không được nhận. “Từ 7 tháng nay, chúng tôi rất khốn đốn, phải đi cầm cố tài sản, nhà cửa vay ngân hàng để duy trì hoạt động. Nhà nước muốn DN phải đóng cửa sao? DN đã kiến nghị lên nhiều cấp nhưng không nhận được trả lời, trong khi ngân hàng đang đòi siết nợ khiến chúng tôi lâm vào tình thế khó khăn”, bà bức xúc nói.
Với sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt, đại diện Công ty Nhật Nhựt Tân (chuyên kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm chức năng) ở Q.Bình Tân, cho biết công ty đang rơi vào tình cảnh bi đát khi đột nhiên trở thành con nợ của thuế.
Trong năm 2015, công ty mua hàng của đối tác ở tỉnh Hậu Giang và thực hiện các thủ tục đúng quy định. Thời gian sau, chính sách về thuế GTGT về mặt hàng này thay đổi từ 10% xuống 5% rồi xuống 0%, buộc DN phải điều chỉnh lại những gì đã làm trước đó.
Vì thuế còn 0%, DN phải đi đòi tiền hoàn thuế ở đối tác nhưng các đối tác không nhận được tiền hoàn thuế từ cơ quan thuế ở Hậu Giang nên không thể hoàn tiền cho DN.
Mọi việc dắt dây khiến Nhật Nhựt Tân cũng không có tiền để trả lại tiền hoàn thuế đã nhận của Chi cục Thuế Bình Tân.
Trong khi đó Chi cục Thuế Bình Tân liên tục thúc bách đòi nợ. Tình trạng của công ty đã lên mức báo động khi nhận được thông báo cưỡng chế thuế của chi cục thuế này.
Trong suốt quá trình đó, DN đã có công văn đề nghị các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn nhưng chờ đợi đến hơn 3 tháng, DN hụt hẫng khi các cơ quan trả lời rằng không có chức năng nhiệm vụ liên quan, hoặc không thể hỗ trợ vì trường hợp này ở tỉnh bạn.
“Chúng tôi thấy rất cô đơn, rất đơn độc, không có ai bảo vệ mình. DN hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ của một DN, nhưng khi cần hỗ trợ thì không thấy ai. Trước chúng tôi có thuế GTGT dương còn nay lại hóa thành con nợ của thuế”, đại diện công ty này cay đắng nói.
Ông Phạm Văn Minh, kế toán trưởng Công ty TNHH MTV thực phẩm và đầu tư Fococev, nói thời gian một hồ sơ nộp vào đến khi nhận được quyết định hoàn thuế “dây thun” hơn thực tế. Bởi theo quy định kể từ ngày DN nộp hồ sơ hoàn thuế cho đến thời điểm hoàn thuế là 40 ngày, nhưng chỉ riêng thời gian chờ thuế kiểm tra hay kiểm tra xong mà chưa nhận được quyết định cũng đã quá 40 ngày. “Hồ sơ bị treo ở khâu nào đó mà DN không biết làm gì”, ông phàn nàn.
“Hứa thì hứa nhưng tôi cũng không biết nói sao”
Không vòng vo, đại diện Công ty Tân Nhất Hương hỏi thẳng ngành thuế bao giờ thì DN nhận được tiền hoàn thuế. Công ty này đã có quyết định hoàn thuế ngày 4.2 với số tiền trên 21 tỉ đồng nhưng chưa nhận được. Mới nhất, Cục Thuế trả lời DN rằng đã nhận được quỹ hoàn thuế và từ thứ hai (14.3) Cục Thuế đã ký quyết định hoàn trả để kho bạc hoàn thuế cho các DN. “Chúng tôi có nhận được tiền trong tuần này không?”, đại diện Tân Nhất Hương hỏi cụ thể mốc thời gian.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế TP.HCM, lúng túng trả lời: Cục Thuế đã nhận được thông báo là Tổng cục Thuế sẽ chuyển tiền vào quỹ hoàn thuế. “Hứa thì hứa nhưng tôi cũng không biết nói sao. Đây là chuyện rất tế nhị, DN gặp riêng để chúng tôi trả lời. Mong DN thông cảm”, ông Tuấn nói.
Doanh nghiệp đang làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng.
Bà Trần Lệ Thu, Công ty Hòa Thuận, thẳng thừng phản đối đề nghị “thông cảm” của ông Tuấn và cho rằng, bên cạnh quỹ hoàn thuế, ngành thuế còn phải có quỹ hoàn trả lãi vay cho DN.
Ngành thuế phải thực thi nghiêm việc trả lãi chậm hoàn thuế cho DN theo đúng quy định tại khoản 5, điều 60 của luật Quản lý thuế. “Khi vi phạm DN phải nộp phạt không thiếu một đồng. Chúng tôi muốn cầm cố bằng quyết định hoàn thuế nhưng không được. Cục thuế kêu gọi thông cảm cho Cục thuế, nhưng có ai thông cảm cho chúng tôi?”, bà Thu bức xúc.
Về vấn đề của Công ty Nhật Nhựt Tân, ông Tuấn đề nghị DN làm văn bản gửi và Cục Thuế sẽ hỗ trợ để đưa tiếng kêu của DN đến cấp cao hơn. “Nhưng chúng tôi cũng không thể can thiệp tới cơ quan thuế bạn”, ông giãi bày.
Trước những chất vấn của nhiều DN, ông Tuấn hứa sẽ ghi nhận và có câu trả lời. Đến khi bị truy vấn gắt gao việc hoàn thuế cho DN, ông Tuấn sau nhiều lần trao đổi điện thoại cá nhân tiếp tục hứa trước hội thảo “những DN đã có quyết định hoàn sẽ nhận được tiền hoàn thuế chậm nhất là hết tuần sau”. Thế nhưng, lời hứa này có vẻ không khiến DN yên tâm. Một DN trước khi ra về buông tiếng thở dài: “Không biết có nhận được không?!”.
Lỗi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thành nạn nhân
Đại diện cho 18 công ty ở công viên phần mềm Quang Trung kể, lúc đầu 18 công ty có hợp đồng thuê đất lâu dài ở Hội chợ Quang Trung (nay là công viên phần mềm Quang Trung).
Thành phố đến thuyết phục trả lại đất và sẽ ra quyết định giao đất để sản xuất. UBND Q.12 ra quyết định cho phép các công ty được xây dựng trước.
Đến nay đã 16 năm, UBND có ra quyết định thu hồi đất nhưng lại không có quyết định giao đất cho DN, khiến 18 công ty hoạt động đất đai trong tình trạng không giấy tờ.
Đến năm 2011, cơ quan thuế Q.11 kiểm tra, kế toán công ty đưa tiền lãi vay ngân hàng xây kho để khấu hao nhưng cơ quan thuế không chấp nhận và yêu cầu đợi đến khi nào có giấy tờ, có giấy phép xây dựng, hoàn công mới được hạch toán khấu hao.
Cơ quan thuế ra quyết định phạt, tính luôn lãi phạt là 1,7 tỉ đồng. “Lỗi đất đai nhà xưởng không giấy tờ là do lỗi của cơ quan nhà nước nhưng đã đẩy chúng tôi trở thành nạn nhân. Chúng tôi bị phong tỏa tài khoản ngân hàng nên buộc phải nộp ngay”, vị này nói.
(Theo Báo Thanh Niên)