Hiệp hội Logicstics sẵn sàng giảm giá cước vận chuyển, lưu kho bãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc. Nhưng nếu không có quy trình kiểm dịch, hàng hóa không đi được thì sự hỗ trợ sẽ không có ý nghĩa.
Cách ly kiểm dịch tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Le Thanh Hien
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 7-2 về tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp logicstics khẳng định: trong những ngày vừa qua, việc hàng hóa không thể xuất khẩu được tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là mối quan ngại không chỉ của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà ngay các doanh nghiệp kinh doanh logistics cũng đều rất lo lắng.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Delta International, cho biết hoạt động logistics gắn liền với xuất nhập khẩu, do vậy hàng hóa không đi được thì hoạt động logistics cũng bị đình trệ.
Tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1889), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Chúng ta phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, nhưng không được để ách tắc hàng hoá, phải tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại".
"Chống dịch nhưng không để ách tắc hàng hoá" cũng là quan điểm được Bộ Công Thương nêu lên tại cuộc họp nói trên. Để thuận lợi cho giao thương, ngày 6-2, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu để áp dụng đồng bộ tại các địa phương biên giới.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là những người vận chuyển hàng hóa sang bên kia biên giới ở những cửa khẩu Trung Quốc khi về Việt Nam sẽ bị cách ly. Do đó, các doanh nghiệp vận tải phải nghĩ ra hình thức thuê người bên Trung Quốc vận chuyển từ cửa khẩu vào trong nội địa Trung Quốc. Những người lái xe, giao hàng ở điểm trung chuyển sẽ vào điểm cách ly và quay lại bên kia biên giới để tránh ách tắc hàng hóa.
Những hình thức thích ứng linh hoạt này của các doanh nghiệp vẫn chưa phải làm quy trình kiểm dịch chính thức. Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đều đã có văn bản gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị khẩn trương đưa ra quy trình quản lý người và phương tiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại, qua đó giảm thiểu tác động của các biện pháp kiểm dịch đến hoạt động xuất nhập khẩu và logistics.
Trước đó, Chủ tịch VLA cũng đã thông báo sẽ kêu gọi các doanh nghiệp logistics chung tay, giảm giá cước vận chuyển, lưu kho bãi từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nông sản không xuất khẩu được đi Trung Quốc.
Khi phía Trung Quốc lùi thời gian mở lại các cặp chợ biên giới đến hết tháng 2 do không có nhân lực thông quan, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai bên cũng đã trở lại ở cửa khẩu Hữu Nghị nhưng thông quan rất chậm.
Theo Lan Nhi (TBKTSG Online)