Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động đầu tư và thương mại không ngừng gia tăng, đặc biệt là hoạt động sản xuất phát triển. Theo đó, nhu cầu vận tải hàng hóa cùng các dịch vụ hỗ trợ từ khâu sản xuất đến phân phối, lưu thông hàng hóa ngày càng cao, đang tạo ra cơ hội lớn cho phát triển các dịch vụ cảng và logistics.
Thị trường logistics Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% GDP
Theo Ông Bùi Quốc Nghĩa - Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư không ít để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phần cứng) cho ngành logistics nhưng hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng khi chưa phát triển được hệ thống logistics chuyên nghiệp, hiện đại. Hiện nay thị trường logistics Việt Nam khoảng 25% GDP, thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế, chưa hình thành hệ thống logistics (vận tải biển, kho vận) chuyên nghiệp, hiện đại.
Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài đã vận hành những hệ thống logistics rất hiện đại ở Việt Nam. Từ năm 2014, Việt Nam mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài giúp thị trường logistics Việt Nam phát triển song cũng tạo ra thách thức lớn cho các DN trong nước. Hiện có khoảng 2.000 DN tại Việt Nam đăng ký kinh doanh logistics với khoảng 300.000 khách hàng. Trong đó, DN trong nước phần lớn là nhỏ và vừa, chỉ đủ lực tham gia một phần trong chuỗi logistics và cạnh tranh nhau khốc liệt theo hướng giảm giá. Do vậy, các DN nội chịu sức ép cạnh tranh từ những DN nước ngoài, đặc biệt là các hãng logistics toàn cầu, luôn hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng dịch vụ… so với các DN nội địa.
Ngoài ra, năng lực tài chính yếu khiến cho các DN Việt không thể tạo cho mình một hạ tầng logistics tốt, không xây dựng được mạng lưới hoạt động ở nước ngoài, chỉ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản, ít giá trị gia tăng. Hơn nữa, các DN sản xuất FDI có tính “dân tộc” cao, thường lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải và logistics từ các công ty dịch vụ có vốn từ nước của họ. Do vậy, mức độ cạnh tranh để giành những hợp đồng lớn càng trở nên gay gắt hơn.
Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường thương mại tự do. Vì thế các DN Việt Nam cần tích cực cập nhật xu hướng cũng như yêu cầu phát triển trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến nền sản xuất dựa trên hệ thống logistics chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Các DN logistics Việt Nam cần đánh giá và nhận thức đúng thực trạng của mình, chủ động liên kết với các DN cùng ngành, tạo ra những liên kết đủ lớn tham gia vào thị trường, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đủ sức để thực hiện chuỗi dịch vụ logistics hoàn chỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các DN xuất nhập khẩu để hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất hoạt động.
Ngoài ra, DN logistics cũng cần xác định chính xác phân khúc thị trường của mình. Cần sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Đây là con đường ngắn nhất để từng bước tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài. Trong việc tiếp cận các DN FDI, cần tìm thị trường ngách, các DN FDI vừa và nhỏ để cung ứng dịch vụ với mức chi phí phù hợp với họ.