Thanh toán bằng tiền mặt, giao hàng với số lượng nhỏ, chủng loại không đồng bộ… là những trở ngại khiến các doanh nghiệp (DN) logistics chưa muốn tham gia hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Hệ thống kho vận được đầu tư hiện đại để xử lý hàng triệu đơn hàng mỗi ngày của Lazada
Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Vecita), doanh thu bán hàng qua TMĐT đang tăng nhanh chóng qua mỗi năm với doanh thu hàng tỷ USD/năm, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai, kéo theo những cơ hội lớn cho doanh nghiệp logistics khi tham gia vào chuỗi cung ứng cho TMĐT. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn không ít DN logistics truyền thống chưa mặn mà với lĩnh vực này.
Ông Pieter Pennings - Giám đốc CEL Consulting - nhận định: Logistics truyền thống đòi hỏi giao nhận khối lượng lớn, cung đường xa, trong khi logistics TMĐT đòi hỏi giao hàng nhỏ lẻ, chủng loại không đồng bộ và phải nhanh (trong ngày hoặc ngày hôm sau). Đây là lý do chính mà các DN logistics truyền thống gặp khó khăn trong việc tham gia TMĐT. Ông Trương Thái Duy - Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Vận tải và tiếp vận toàn cầu TP.Hồ Chí Minh) - bày tỏ, chúng tôi vẫn chưa tính đến chuyện tham gia vận chuyển cho các đơn hàng TMĐT, bởi đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị không cao như làm các đơn hàng vận chuyển xuất khẩu. Bên cạnh đó, không phải cứ muốn là tham gia vào thị trường này được, bởi TMĐT đòi hỏi thời gian giao vận nhanh, chính xác, nên nếu tiềm lực yếu sẽ khó cạnh tranh.
Cùng quan điểm trên, một số DN logistics truyền thống khác tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, chưa tính đến chuyện tham gia vào thị trường này vì sợ lợi nhuận không bằng với giao nhận mà họ đang làm hiện tại.
Tuy vậy, ông Gerald Glauerdt - Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam - cho rằng, 5 năm trước khi Lazada mới bắt đầu vào Việt Nam, mọi người vẫn chưa biết tới dịch vụ logistics cho TMĐT. Lúc đó, để tìm một đơn vị cộng tác là việc rất khó khăn, do vậy Lazada đã phải tự mở hệ thống riêng.
Nhưng sau 5 năm, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực và Lazada sẽ không đầu tư thêm vào logistics, mà sử dụng hệ thống logistics đang ngày một phát triển ở Việt Nam cũng như tìm thêm các công ty khởi nghiệp để đầu tư nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Theo ông Chu Quang Hào - Phó Tổng giám đốc Vietnam Post - để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của TMĐT, Vietnam Post đã có sự thay đổi về hạ tầng, kho bãi, thậm chí thành lập bộ phận dành cho TMĐT.
Đặc biệt, vào những dịp như “Online Friday” hay “Cách mạng mua sắm”, Vietnam Post còn hỗ trợ thêm phí vận chuyển cho khách hàng. Riêng trong năm 2014 - 2015, Vietnam Post đã hỗ trợ từ 50 - 100% chi phí chuyển phát trong sự kiện cách mạng mua sắm, tương đương khoảng 4 tỷ đồng và trong sự kiện năm nay, công ty tiếp tục hỗ trợ 50% phí chuyển phát.
Ngoài những DN logistics truyền thống, thị trường cũng chứng kiến sự gia nhập của rất nhiều công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ, vốn ít nhưng lại có ưu điểm là nền tảng công nghệ tốt, như giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm…
Đáng chú ý, một đơn vị vốn chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ là Grab cũng đã tham gia vào thị trường. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - chia sẻ, gần đây Grab đã tham gia vận chuyển cho các đơn vị TMĐT, tuy nhiên chưa nhiều và chủ yếu là lực lượng Grabbike. “Có thể trong năm tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị thêm nguồn lực để tham gia vào mạng lưới TMĐT vì nhu cầu của thị trường này rất lớn” - ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Để nâng cao sức cạnh tranh của logictics trong TMĐT, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải có những công ty logistics chỉ phục vụ riêng cho hoạt động này, kèm theo đó là xây dựng các điểm trung chuyển hàng trung gian.
Logistics trong thương mại điện tử hiện nay được hiểu là quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. |
Thùy Dương - Nguyễn Phượng / baocongthuong