Doanh nghiệp nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long đa số phá sản, ngừng hoạt động, số quy mô lớn, áp dụng được 3 tại chỗ chỉ làm 5-10% công suất.
Thông tin trên được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đưa ra sau khi tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
VCCI Cần Thơ nhận xét, doanh nghiệp ở khu vực này đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên sức chống chịu còn yếu khi khủng hoảng xảy ra.
Theo ghi nhận, ở đợt dịch lần thứ tư này, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển; chi phí cho mô hình 3 tại chỗ; các chính sách, quy định phòng chống dịch giữa các tỉnh còn chưa đồng bộ; việc triển khai các gói hỗ trợ chưa hiệu quả...
Các doanh nghiệp nhỏ đa số đều phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu nên không thể duy trì sản xuất. Những đơn vị này cũng không có điều kiện, hạ tầng để thực hiện mô hình 3 tại chỗ.
Với các doanh nghiệp lớn hơn, có thể thực hiện mô hình này, tình hình cũng không khả quan, việc sản xuất chỉ có thể diễn ra cầm chừng. Theo đó, đa số doanh nghiệp cho biết chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao. Các chi phí này có thể kể đến như quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện 3 tại chỗ, vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng... Trong khi đó, công nhân vì tinh thần làm việc không ổn định, căng thẳng, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau do thiếu lao động... dẫn đến giảm năng suất.
Các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI Cần Thơ về lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến mất khách hàng nước ngoài vào tay các đối tác tại các thị trường khác.
Về vấn đề quy định, chính sách chống dịch tại các tỉnh, doanh nghiệp cho rằng còn nhiều bất cập từ việc thiếu thực tiễn, hay thay đổi đến quá trình thực thi ở các cấp. Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh...
Bên cạnh đó, VCCI Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế vì nguồn tiền bị gián đoạn. Có trường hợp tỉnh chậm thông báo về các trường hợp dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột.
Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cũng phản ánh việc chính quyền chậm thông tin đến doanh nghiệp trên địa bàn, thể hiện thái độ khi doanh nghiệp liên hệ nhờ hỗ trợ xử lý tình huống. Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 từ năm ngoái. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5-1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Tình trạng thiếu vaccine khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đến lượt tiêm cho công nhân dù nằm trong ngành thiết yếu.
Hiện doanh nghiệp ở khu vực này đang đề xuất hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động; điều chỉnh mô hình 3 tại chỗ; giãn, giảm thuế, lãi suất vay; hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí test Covid-19; các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự thống nhất về chính sách phòng dịch...