Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo điều tra đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo. Theo đó, có tới 94.5% DN cho biết họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia. Chỉ có 5.5% DN không biết đến bất kỳ hiệp định nào.
Có tới 94.5% DN chế tạo cho biết họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới như: Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Á Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Việt Nam đã tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hiệp định này, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tiến hành điều tra chuyên đề nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo – ngành có nhiều DN qui mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế.
TCTK chọn mẫu 3500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm: 200 DN nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra. Các ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo có qui mô lớn, có nhiều DN được chọn mẫu điều tra gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm (601 DN), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (476 DN), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (329 DN), sản xuất trang phục (254 DN)…
Theo đó, trong số các DN được hỏi, có tới 94.5% DN cho biết họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia. Chỉ có 5.5% DN không biết đến bất kỳ hiệp định nào. Một số ngành có tỷ lệ DN biết đến các hiệp định thương mại cao (trên 97%) gồm: Sản xuất thuốc lá; SX than cốc, dầu mỏ tinh chế; SX máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu; Sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị; SX phương tiện vận tải khác; SX xe có động cơ; SX kim loại; SX thuốc, hóa dược và dược liệu;…
Trong các DN biết đến hiệp định thương mại, có tới 86.9% DN biết qua kênh truyền thông; 16.3% DN biết qua hiệp hội; 15.1% DN biết qua cơ quan quản lý nhà nước; 10.8% DN biết qua đối tác kinh doanh; còn lại 8.8% biết qua các kênh thông tin khác.
Đối với khu vực DN nhà nước: có 90.4% số DN biết các hiệp định thương mại qua truyền thông; có 26.3% DN biết qua các cơ quan quản lý nhà nước và có 19.7% DN nhà nước biết đến qua hiệp hội. Tỷ lệ tương ứng đối với khu vực DN ngoài nhà nước là 86.7%; 15.4% và 14.2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 86.4%; 11.8% và 20.2%.
Các ngành công nghiệp biết đến các hiệp định thương mại thông qua truyền thông với tỷ lệ cao gồm: SX xe có động cơ 97.6%; SX thuốc, hóa dược và dược liệu 97%; SX thuốc lá 92.3%; SX thiết bị, máy móc chưa được phân vào đâu 91.4%…
Phân theo loại hiệp định, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ các DN được hỏi biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83.8% (16.2% không biết); tiếp đến là Hiệp định TPP 82.2% (16.8% không biết); Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66.8% (33.2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu 64.1% (35.9% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc 62.7% (37.3% không biết).
Khu vực DN nhà nước có tỷ lệ DN biết đến các loại hiệp định thương mại khá cao ở hầu hết các loại hiệp định, cụ thể 92.9% DN biết đến Hiệp định TPP; có 92.4% DN biết đến Hiệp định Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Khu vực DN ngoài nhà nước có 83.4% DN biết đến Hiệp định AEC; 81.1% DN biết đến Hiệp định TPP. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có 82.7% DN biết đến Hiệp định AEC; 82.5% DN biết đến Hiệp định TPP.
Khi được hỏi về sự ủng hộ của DN đối với việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại, thì có 83.9% DN ủng hộ (trong đó 53.3% DN rất ủng hộ; có 30.6% DN ủng hộ nhưng vẫn lo lắng), có 2.9% DN cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, có 12.6% DN không có ý kiến, chỉ có 0.6% DN hoàn toàn phản đối.
Khu vực DN nhà nước có tỷ lệ ủng hộ hội nhập quốc tế cao nhất với 91.9% (52.2% DN rất ủng hộ, 39.7% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng); tiếp đến là khu vực DN ngoài nhà nước có 83.5% (50% rất ủng hộ, 33.6% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng) và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có 83% (61% rất ủng hộ, 22% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng).
Các ngành công nghiệp có tỷ lệ ủng hộ cao trên 85% gồm: SX chế biến thực phẩm; SX đồ uống; SX thuốc lá, SX trang phục; SX than cốc, dầu mỏ tinh chế; SX hóa chất và các sản phẩm hóa chất; SX xe có động cơ; SX máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu,…
Khảo sát này cũng thể hiện mong muốn của chính phủ. Cụ thể, có tới 84.6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp đến 69.4% DN mong muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, có 55.3% DN mong muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48.9% DN mong muốn có thông tin về thị trường trong nước.
Vân Du / DĐDN