Tại hội thảo “Ngành thép Việt Nam – Thăng trầm và triển vọng” diễn ra ngày 7/11 tại Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong ngành thép nhận định các DN trong ngành thép còn khá nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới đặc biệt là những DN gia công sản phẩm cuối cùng.
Doanh nghiệp ngành thép vẫn còn dư địa để phát triển
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết năm 2016 ước tính sản lượng sản xuất của ngành thép là 8,25 triệu tấn thép dài, 3,5 triệu tấn CRC, 1,75 triệu tấn ống thép và 3,7 triệu tấn tôn mạ. Cùng với sản xuất trong nước, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phôi thép ở mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn (trong đó sản phẩm dẹt là 4 triệu tấn, tôn mạ 1,5 triệu tấn, 0,5 triệu tấn thép không gỉ và 6 triệu tấn thép hợp kim). Dự báo cho tổng lượng tiêu thụ thép trong năm 2016 sẽ là 20,5 triệu tấn (so với 18,25 triệu tấn năm 2015).
Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn, Hiệp hội thép dự báo nhu cầu thép tới năm 2020 là 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm; và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Do đó, dư địa tăng trưởng cho các DN ngành thép vẫn còn rất lớn.
Nhận định về xu thế phát triển theo chuỗi giá trị trong ngành thép, ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (Vietinbank Sc) cho biết dựa trên những phân tích về biến động của cả thị trường thép thế giới và thị trường thép Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy vẫn có triển vọng phát triển tốt ngành thép Việt Nam nói chung cũng như cơ hội cho các DN thép Việt tồn tại và phát triển trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng của ngành này dự báo ở mức 15%.
Để duy trì mức tăng trưởng này DN ngành thép phải tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín mà Hòa Phát là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi này và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua - ông Đăng nhận định.
Bên cạnh đó, các DN phải khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành, các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn. Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao. Ngoài ra, hiện nay năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu do đó việc khai thác thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng của DN.
Thanh Thanh / baocongthuong