Dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản năm 2017 đã có những tín hiệu mới. Thay vì rót vốn phát triển dự án, thì nay họ chuyển sang rót vốn vào những doanh nghiệp đã có tên tuổi trên thị trường.
Thị trường bất động sản thời gian qua diễn ra những con sóng ngầm về M&A dự án |
Trong tháng 5, Tập đoàn Hemaraj Land & Development của Thái Lan và Cienco 4 của Việt Nam đã chính thức xác nhận hợp tác liên doanh thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỉ đô la Mỹ, trên 3.200 héc ta đất ở Nghệ An.
Doanh nghiệp ngoại nhập cuộc
Tập đoàn China Fortune Land Development của Trung Quốc đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Lotus Đại Phước của VinaCapital với giá 65,3 triệu đô la Mỹ. Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 héc ta thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh TPHCM. Thêm vào đó, 65% cổ phần dự án khu phức hợp Times Square (Hà Nội) trị giá 41 triệu đô la Mỹ của VinaCapital cũng được chuyển nhượng sang doanh nghiệp nước ngoài Elite Capital Resources Limited.
Cùng với các doanh nghiệp ngoại như Trung Quốc, Thái Lan, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn hoạt động tích cực trên thị trường. Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long xây dựng dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 héc ta tại quận Bình Chánh, tổng vốn đầu tư 351 triệu đô la Mỹ. Tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản Aeon Mall cũng công bố chính thức liên doanh cùng tập đoàn BIM, triển khai phát triển trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội với diện tích 16,7 héc ta, ước tính tổng vốn đầu tư 200 triệu đô la Mỹ.
Mới đây, ngày 12/9, Quỹ đầu tư quốc tế Key Sicav Sif đến từ Luxembourg đã ra mắt Công ty EZ Land tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính là phát triển dự án bất động sản.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản thu hút 766,7 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới với 49 dự án và 30,12 triệu USD vốn tăng thêm từ 17 lượt dự án. Ngoài ra, lĩnh vực này có 81 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 344,97 triệu USD.
Như vậy, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực bất động sản thu hút hơn 1,14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 5 trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút vốn ngoại, chiếm 4,48% tổng vốn nước ngoài đăng ký của cả nước.
Ông Jabcop Hoyeon Won - Giám đốc điều hành Locus Capital Partner cho biết: "Chúng tôi muốn đầu tư dài hạn và doanh nghiệp Việt cũng vậy, nghĩa là “thắng cùng thắng, thua cùng thua” chứ không phải bên thắng bên thua. Đó là sự tồn tại tương hỗ. Cùng góp vốn và chia sẻ là quan điểm đã gắn kết với nhau".
Đầu tư vào Việt Nam, ông Oliver Brazier - Giám đốc điều hành Công ty EZLand Việt Nam cũng cho biết Công ty cùng với đối tác tại Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng 1.000 - 1.500 căn hộ mỗi năm trong vòng 5 - 8 năm tới. Dự án đầu tiên doanh nghiệp này đưa ra thị trường sẽ mang tên HausNeo tại quận 9 (TP.HCM).
Sẽ ghi nhận mức hợp tác kỷ lục
Theo các chuyên gia, hoạt động M&A các dự án bất động sản sẽ phát triển mạnh hơn trước, bởi cơ hội và điều kiện đang rất thuận lợi cho các thương vụ đi đến thành công. Theo số liệu thống kê, tại TP.HCM hiện có trên 500 dự án bất động sản tạm ngưng triển khai do chủ đầu tư hụt vốn, thiếu năng lực triển khai. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, đầu tư bất động sản ở Việt Nam cũng đi kèm với những thách thức. Cụ thể, đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch” (như: hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt). Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.
Thậm chí theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã thực hiện chiến lược "đi tắt đón đầu" bằng việc mua lại những quỹ đất sạch, rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác. Điều này đã làm cho thị trường bất động sản thời gian qua diễn ra những con sóng ngầm về M&A dự án. Hầu hết, các thương vụ này đều rơi vào tay các doanh nghiệp có lợi thế về tài chính.
Ông Alex Crane - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, hiện Công ty đang có nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu và giới thiệu dự án bất động sản tại Việt Nam cho các chủ đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư tới từ Mỹ. Chỉ từ đầu năm 2017 tới nay, số liệu của chúng tôi cho thấy, có 27 giao dịch tài sản/đất dự án thành công với giá trị gần 900 triệu USD tại thị trường Việt Nam.
“Ngày càng có nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài không chỉ tỏ ra hứng thú với thị trường Việt Nam, mà bắt đầu có những động thái để nhập cuộc. Đặc biệt, với chính sách mở cửa kêu gọi nhà đầu tư ngoại của Chính phủ Việt Nam, đã tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản”, ông Alex Crane nói.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, các chuyên gia hy vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018.
THIÊN BÌNH / DĐDN