Do các doanh nghiệp nội chậm chân và yếu ớt trong việc giành thị phần dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics cảng biển tại TPHCM mà ngành dịch vụ có doanh thu lên đến vài tỉ đô la Mỹ mỗi năm này hầu hết rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện có đến 80% doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh các dịch vụ logistics tại TPHCM. Ảnh: TL
Phát biểu tại cuộc họp tại UBND thành phố sáng nay 11-4, nhằm góp ý cho chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2025, đại diện Hải quan TPHCM nhận định sự chậm chân của nhóm doanh nghiệp nội của thành phố đã khiến doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm” 80% các loại dịch vụ logistics mặc dù nhiều loại dịch vụ doanh nghiệp nội thừa sức đảm đương.
Theo Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu thông quan qua thành phố lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ và sự nhanh nhạy trong các khâu thiết lập đại lý, làm cầu nối dịch vụ, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu … khiến doanh nghiệp ngoại thắng thế và thu về vài tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh đến 80% dịch vụ logistics tại thành phố, từ xây dựng cho đến các đại lý, làm cầu nối dịch vụ logistics, thiết lập mạng lưới vận tải cho hàng hóa xuất nhập khẩu... Thành phố có thế mạnh về vị trí địa lý cung cấp dịch vụ logistics nhưng các doanh nghiệp trong nước khá chậm chân và bỏ lỡ cơ hội thu lợi từ các dịch vụ logistics này, đại diện Hải quan thành phố nói.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết hàng trăm doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam hàng chục năm qua.
Phân tích sâu vào từng lĩnh vực của dịch vụ cảng biển, ông Hiệp cho biết doanh nghiệp nội hiện chỉ đang chiếm lĩnh các dịch vụ khai thác cảng, kho bãi, còn các dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải container quốc tế, mạng lưới vận chuyển thì thị phần của doanh nghiệp nội rất kém, thiếu đầu tư, chậm chân và thua xa các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo nhận định của ông Hiệp, chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đang chiếm khoảng 20% tổng GDP của cả nước nên doanh thu các ngành dịch vụ logistics chảy vào túi các doanh nghiệp ngành dịch vụ này tương đối lớn.
Giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế của TPHCM, theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố sẽ đưa ra chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 -2020, tầm nhìn 2025.
Theo đó, thành phố sẽ có một số nhóm hành động cụ thể như tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế của thành phố, tăng trưởng xanh, nhanh chóng hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, theo chương trình nói trên thì thành phố sẽ đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, thu hút nguồn lực từ các quốc gia tiên tiến, triển khai hoạt động tiếp thị địa phương; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh.
TPHCM phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index).
Chỉ số PCI của TPHCM trong năm 2015 từ hạng 4 đã rơi xuống hạng 6 sau Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Đà Nẵng.
Phát biểu tại cuộc họp sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết mục tiêu hội nhập của TPHCM là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh. Muốn vậy thì phải đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao năng suất lao động thì hàng hóa của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh được.
Việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động là yếu tố quan trọng để TPHCM trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước bởi xét riêng về ngân sách thì TPHCM đã đóng góp đến gần 32% ngân sách cho cả nước, ông Phong nói thêm.
Văn Nam / thesaigontimes.vn