Đây là ý kiến góp ý của Bộ Công Thương về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành nhằm mục đích thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương đang gây nhiều tranh cãi.
Tất cả các xe khi xuất xưởng đều phải được nhà sản xuất kiểm tra, xe nào đáp ứng đủ điều kiện mới cho xuất xưởng và sẽ cấp phiếu kiểm tra chất lượng cho chiếc xe đó
Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định việc ban hành Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.
Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị bổ sung phương thức 2 và 3 Mục “thành phần hồ sơ” tại Điểm a, khoản 1, Phụ lục III phải có “Giấy chấp nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương”.
Bộ này cho hay, theo dự thảo Thông tư thì tại điểm a, khoản 1, phụ lục III, nếu các xe nhập khẩu theo phương thức 2 và 3 không cần “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương” thì thủ tục để chứng nhận cho xe nhập khẩu hoàn toàn giống như xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước do các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước cần phải đầu tư nhà xưởng, thiết bị kiểm tra xe xuất xưởng và đường thử xe theo quy định tại Quyết định 115 năm 2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), trong khi các nhà nhập khẩu thường không đầu tư.
Cũng góp ý về Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Việt Nam vừa và nhỏ vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Chính phủ về quan điểm trong dự thảo Thông tư trên và khẳng định: Tại Chương II điều 5, mục f của Dự thảo quy định doanh nghiệp, thương nhân phải nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng thực chất chỉ là một thủ tục hành chính. Vì tất cả các xe khi xuất xưởng đều phải được nhà sản xuất kiểm tra, xe nào đáp ứng đủ điều kiện mới cho xuất xưởng và sẽ cấp phiếu kiểm tra chất lượng cho chiếc xe đó.
Nhóm doanh nghiệp này cho hay, với doanh nghiệp mua trực tiếp từ hãng thì sẽ được cung cấp phiếu xuất xưởng, còn nếu mua từ các đại lý thì sẽ không thể có phiếu xuất xưởng này được (do đại lý thu lại phiếu xuất xưởng để làm thủ tục hoàn thuế).
"Việc yêu cầu phiếu xuất xưởng này cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như các hệ số an toàn của chiếc xe đó, bởi thực chất giấy xuất xưởng chỉ ghi loại xe, model, năm sản xuất... Để kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu thì khi xe về đến cảng Việt Nam đã được Cục Đăng Kiểm kiểm tra thực tế có phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, khí thải của Việt Nam hay không mới cho nhập", quan điểm các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa nêu.
Hiện theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những thủ tục hành chính là rào cản cần được loại bỏ để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.
Các doanh nghiệp này cho hay, dự thảo Thông tư của Bộ GTVT đang đề xuất tăng các thủ tục hành chính, bắt buộc doanh nghiệp phải có nhiều giấy tờ cho một chiếc xe, mà những giấy tờ đó không liên quan đến xuất xứ, chất lượng, an toàn hay khí thải...
Do đó, đại diện các doanh nghiệp này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét những kiến nghị trên một cách thấu đáo, để có thể vừa đảm bảo chất lượng xe cơ giới khi nhập về Việt Nam, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được cùng tham gia kinh doanh ô tô bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp khác.
Nguyễn Tuyền (Dân trí)