Đây là khẳng định của ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội trong Hội nghị phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam, diễn ra ngày 12/12 do Văn phòng JETRO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Ông Kitagawa Hironobu cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến Việt Nam qua Văn phòng JETRO để tìm hiểu thông tin liên quan đến thực trạng công nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam. Năm 2016, trong số các DN Nhật Bản tham vấn Jetro để đầu tư vào thị trường Việt Nam thì tỷ lệ DN trong lĩnh vực phi sản xuất tăng đến 70%, đặc biệt là mối quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm có khuynh hướng gia tăng ngày càng rõ nét. Nguyên nhân của xu hướng này là cùng với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam một cách bền vững, kéo theo đó là tầng lớp trung lưu và khá giả ở Việt Nam đang gia tăng khiến nhu cầu của thị trường trong nước được mở rộng.
Theo đó, JETRO đã cố gắng tạo dựng những cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản gặp trực tiếp các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam. Qua đó, hai bên có thể trao đổi thông tin tiếp tục tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, trong những năm gần đây, nhiều DN Việt đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Vì vậy, thị trường đón nhận rất nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu. Theo thống kê hết tháng 11 năm 2017, tăng trưởng hàng xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm chế biến đã tăng trên 2%. Đây là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thị trường cả về chất và lượng nên chưa hoàn toàn thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam cất cánh.
Theo đánh giá, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Sản xuất, chế biến thực phẩm được đánh giá là có tiềm năng rất lớn, còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là một số ngành như sữa, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ sữa quy ra sữa tươi được dự báo tăng và đạt mức 27-28 lít/người/năm vào năm 2020. Đối với sản xuất bánh kẹo, mức tiêu thụ bánh kẹo tại Việt Nam những năm tới được dự báo tăng khoảng 10%/năm. Đối với ngành dầu thực vật, hiện nay tiêu thụ bình quân theo đầu người của Việt Nam mới đạt 12kg/người/năm, dự báo đến 2020 con số này sẽ là 17kg, 2025 là 20kg/người/năm. Ngành nước giải khát dự kiến năm 2020 đạt 6,8 tỷ lít.
Ông Lê An Hải cho biết thêm, hiện ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam được định hướng phát triển dựa trên cơ sở sử dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao để hội nhập với khu vực và thế giới. “Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác đã và đang tích cực xây dựng khung khổ pháp lý thông thoáng để tạo điều kiện tối đa cho các DN Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh, lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những lĩnh vực được ưu tiên” – ông Hải chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, ông Saka Hrumi, đại diện Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cho rằng, để liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản cần có những buổi đối thoại hợp tác. Hiện hai nước đã tổ chức 3 lần đối thoại kể từ năm 2014 đến nay. Các buổi đối thoại này, nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đối thoại ngày càng tăng lên theo số lần tổ chức.
Dự định hàng năm sẽ tổ chức đối thoại hợp tác nông nghiệp - là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản.
Từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản, đại diện các DN Nhật cho rằng, chính quyền cần hỗ trợ chính sách cũng như vốn và kỹ thuật cho doanh nghiệp để thiết lập hệ thống xử lý nước thải nhằm phòng chống ô nhiễm đất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề lưu thông hàng hóa, phải tạo được chuỗi giá trị thực phẩm kết nối giá trị gia tăng của các công đoạn từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ. Thông qua đó, tạo giá trị gia tăng lớn hơn trên toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng của thực phẩm và mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho nhà sản xuất, cơ sở chế biến, nhà phân phối, người tiêu dùng.
Nguyễn Hường / baocongthuong