Hỗ trợ tiếp cận tín dụng là một điều khoản quan trọng được nhắc đi nhắc lại trong chương trình dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 11/7
“Mang tiếng là hỗ trợ nhưng không hề hỗ trợ”
Đấy là tâm trạng bức xúc của một giám đốc nông trại đến từ Lâm Đồng khi nói về quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
Công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được gần 3 năm, chuyên xuất hoa sang thị trường Nhật Bản. 3 năm với nhiều hợp đồng lớn nhỏ, được công ty bạn tin cậy, nhưng ông vẫn chưa thể mở rộng sản xuất vì khó khăn vay vốn.
Ông cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần thử vay vốn, nhưng liên tục bị từ chối, bởi không có tài sản đảm bảo. “Doanh nghiệp muốn vay 5 tỉ, thì phải có thế chấp trên 5 tỉ. Nếu có thế chấp này, thì cần gì nữa” – ông bức xúc nói.
Tài sản thế chấp là yêu cầu của ngân hàng lẫn những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp mà ông được tiếp cận.
“Tiếp cận những quỹ đó thực sự là khó khăn. Tôi ước chừng chỉ 10-15% DNNVV được vay vốn từ những quỹ đó, đương nhiên, những doanh nghiệp đó có bảo trợ ở đằng sau. Tại sao người ta không dựa trên thực tế, như là những hợp đồng đang làm, đơn vị nào đang hợp tác với chúng tôi, thay vì trên thủ tục, giấy tờ?”
Câu chuyện của vị giám đốc đó như là tiếng kêu cứu của các DNNVV đối với vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay.
Tại hội thảo Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – cộng đồng doanh nghiệp đã dành không ít thời lượng để bàn thảo về vấn đề này.
Theo đó, các chuyên gia đều đồng tình với ý kiến mặc dù có nhiều chính sách và giải pháp được triển khai nhằm trợ giúp các DNNVV được vay vốn nhưng vẫn chưa có nhiều DNNVV được thụ hưởng các chính sách này.
Khảo sát PCI 2015 cho thấy tỷ lệ các DNNVV có khoản vay từ ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp quy mô lớn. Trung bình, chỉ có 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nhỏ là 62%, doanh nghiệp vừa là 74% và doanh nghiệp lớn là 81%.
Nhìn ở khoảng thời gian dài hơn, từ năm 2010 – 2015 khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV không có nhiều cải thiện. Tỉ lệ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vay chính thống chỉ tăng nhẹ 1-2% mối năm từ 2012 – 2015 chưa kể tỉ lệ hiện tại còn thấp hơn giai đoạn 2010 – 2011.
Các DNNVV cũng chỉ tiếp cân được các nguồn vay ngắn hạn, dao động trong khoảng từ 6-12 tháng và chi phí vay đắt đỏ hơn nhiều. Cụ thể, doanh nghiêp siêu nhỏ đang chịu lãi suất 9%/năm cao hơn 1% so với các nhóm còn lại. Xu hướng này cũng được ghi nhận ở các năm 2013, 2014: các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chịu chi phí cao hơn các doanh nghiệp vừa và lớn.
Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp, có khó khăn ấy vẫn còn là may vì còn được vay vốn. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không được tiếp cận vốn vay nếu không có tài sản thế chấp.
Theo điều tra, trong nhiều năm qua, 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp dù có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Với thực trạng này, nhiều chuyên gia cũng có những đề xuất để khắc phục vấn đề. Như luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng một trong những cơ chế cần xem xét quy định, là cho phép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015) vì hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.
Hay như Bộ Khoa học và công nghệ Vụ phát triển KH&CN Địa phương đưa ra kiến nghị nhà nước cần rà soát lại các chính sách, phân định rõ loại hình hỗ trợ, tài trợ và cho vay, bảo lãnh vay. Hay về phía các quỹ cho vay cần phối hợp với các ngân hàng thương mại để hình thành hồ sơ vay cho phù hợp với từng loại hình của Quỹ, đảm bảo cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Hình thành cơ chế vay ưu đãi, hỗ trợ lãy vay, bảo lãnh vốn vay được minh bạch.
Đình Phương
Theo Trí thức trẻ