Dịch covid-19 như một "gáo nước lạnh" dội thẳng vào niềm hy vọng khấp khởi mang tên năm 2020 của ngành gỗ – một ngành được cho là có cơ hội bứt phá trên thị trường thế giới giữa lúc nổ ra cuộc thương chiến Mỹ-Trung năm 2019. Giờ đây, doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với hàng hóa tồn kho, dòng tiền bị tắc nghẽn mà chưa có cách nào khơi thông, cần bổ sung vốn để tái sản xuất trong khi vẫn kẹt tín dụng, thanh khoản đứng im. Điều cần thiết bây giờ đâu chỉ là giảm lãi suất, giãn nợ, doanh nghiệp cần Chính phủ có một chính sách tài khóa cấp vốn cho doanh nghiệp sau dịch.
Các doanh nghiệp gỗ nội thất thiếu hụt thanh khoản vì khối lượng hàng lớn bị đóng băng không tạo ra giá trị. Ảnh minh họa: VD
Năm 2019, ngành gỗ nội thất đứng trước cơ hội lớn để vượt lên giữa cuộc thương chiến Mỹ - Trung, điều này khiến nhiều doanh nghiệp đã tập trung hầu hết nguồn lực tài chính để tận dụng cơ hội này. Dù vậy, mọi nỗ lực này dường như bị dội “gáo nước lạnh” khi dịch Covid-19 xuất hiện, mọi hoạt động dường như tê liệt, khối tài sản khổng lồ không tạo ra giá trị khiến thanh khoản của doanh nghiệp bị đe dọa.
Dòng tiền bị tắc nghẽn, cần bổ sung vốn để tái sản xuất
Phần lớn các doanh nghiệp ngành gỗ đã đổ hết tiền bạc vào việc đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất trước viễn cảnh nguồn cung đơn hàng sẽ tăng mạnh nhờ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Máy móc thậm chí chưa kịp về tới nhà máy thì đại dịch Covid-19 đã phá tan kế hoạch của các nhà máy gỗ, trong đó có Công ty cổ phần Lâm Việt.
Ông Nguyễn Lâm, Chủ tịch HĐQT Lâm Việt, cho hay trước khi dịch xảy ra, lực lượng nhân công của công ty là 1.000 người – chuyên về làm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU với lượng xuất khẩu 150 container bình quân mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và nguồn tài chính đầu vào không còn, doanh nghiệp đã phải giảm lực lượng này từ 1.000 xuống còn 400 người như hiện nay.
“Cái khó của công ty lúc này là dòng tiền, bởi nợ cũ khách hàng chưa trả được; một số container hàng đang tại cảng rồi, khách hàng cũng không có tiền để lấy ra; đó là chưa kể đến khối lượng hàng đã sản xuất đang nằm tại kho… Đây là những tài sản không thể tạo ra giá trị tại thời điểm này. Trong khi đó, công ty đang phải dùng một nguồn tiền rất lớn để lo cho người lao động nghỉ việc, lo cho những lao động còn lại, đồng thời phải trả lãi vay ngân hàng và thanh toán các khoản tín dụng đáo hạn”, ông Lâm chia sẻ.
Hiện nay, Lâm Việt đã làm việc với các ngân hàng để được giãn nợ, bởi nếu không được giãn nợ thì trên thực tế họ cũng không có nguồn thu để trả. Công ty phải thanh toán hợp đồng tín dụng cũ mới được vay mới với lãi suất thấp hơn. Song, ông Liêm cho rằng, lãi suất giảm 0,5% đến 1,5% như mức các ngân hàng đã làm trong thời gian vừa qua chỉ là một phần giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề mà doanh nghiệp Lâm Việt đang gặp phải là dòng tiền bị tắc nghẽn.
Để khơi thông dòng tiền này không thể nhanh, ngay cả khi dịch kết thúc bởi khách hàng sẽ ưu tiên chi cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm trước, sau đó mới tới đồ nội thất. Do đó, nhà lãnh đạo Lâm Việt kiến nghị các ngân hàng nên đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng cách giảm bớt các điều kiện được vay vốn.
“Thay vì thế chấp 10 đồng được vay 7 đồng, thì giờ cũng tài sản đó, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay thêm 2 đồng nữa. Nguồn vốn đặc biệt quan trọng khi dịch kết thúc, doanh nghiệp phải có nguồn vốn bổ sung để tái sản xuất".
Theo ông Liêm, hiện nay các chính sách và gói hỗ trợ của Nhà nước mới chỉ được nói trên phương tiện truyền thông, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chúng trong thực tế.
Kẹt tín dụng, thanh khoản đứng im - bi kịch của doanh nghiệp ngành gỗ
Nhà xưởng của doanh nghiệp ngưng trệ, đơn hàng mới chưa có, hàng tồn kho không tạo ra giá trị thế chấp khiến doanh nghiệp ngành gỗ “đứng ngồi không yên” trên khối tài sản mà mới đây thôi còn là niềm hy vọng để doanh nghiệp gỗ tạo ra sự bứt phá.
Ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc công ty Tiến Đạt Furniture Corporation, cho hay sau khi các khách hàng lớn đề nghị ngừng giao hàng, Tiến Đạt hiện chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Giá trị tồn kho hiện nay của Tiến Đạt là rất lớn khi mỗi đơn hàng của khách hàng có thể lên tới 3-4 triệu đô la Mỹ. Giá trị trên sổ sách thì nhiều nhưng thanh khoản dường như đứng im đang là bi kịch của không chỉ Tiến Đạt mà còn là tình hình chung của doanh nghiệp gỗ.
Khi nguồn tiền tắc nghẽn giống như bao doanh nghiệp xuất khẩu khác, Tiến Đạt đã phải làm công văn gửi các ngân hàng đề nghị giãn nợ và giảm lãi suất. Một số ngân hàng như đã giảm lãi suất vay đô la Mỹ cho Tiến Đạt như HD Bank giảm từ 4,5% xuống còn 3,8%; Techcombank từ 3,8% xuống 3,5%; Vietcombank từ 4,1% xuống 3,4%.
Hiện nay, theo các doanh nghiệp, do nhu cầu thị trường không có nên các doanh nghiệp mong muốn được gia hạn, giảm lãi vay. Nhưng mức giảm trong thời gian vừa qua được đánh giá là chưa đủ mạnh để có thể hỗ trợ khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp.
“Hiện nay chính sách hỗ trợ tới được doanh nghiệp rất chậm và nhiêu khê. Ngoài việc hai bên doanh nghiệp và ngân hàng làm việc với nhau, ông Lập vẫn chưa nhận được các gói hỗ trợ nào khác.
Rủi ro cao nếu doanh nghiệp bằng mọi giá tìm nguồn vay để duy trì hoạt động
Theo ban lãnh đạo Tiến Đạt, để doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch và bảo toàn được nguồn lực sau đại dịch, ngoài việc giảm lãi suất, giãn nợ, Chính phủ cần có một chính sách tài khóa cấp vốn cho doanh nghiệp sau dịch, để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động.
Trong khi đó ông Trần Việt Tiến, Ủy ban thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho rằng bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp cũng xoay sở để đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, khác với điều kiện kinh doanh bình thường việc vay vốn có kế hoạch dài hạn thì nay nhu cầu vốn là cấp bách. Nếu kéo dài có thể doanh nghiệp có thể “gục ngã” trước khi tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Theo ông Trần Việt Tiến, trong điều kiện hiện tại khi mọi hoạt động đều ngưng trệ, lượng hàng tồn kho lớn không tạo ra được giá trị. Phần lớn nhà xưởng doanh nghiệp ngưng hoạt động, đơn hàng mới không có nên việc để ngân hàng thẩm định cho vay rất khó khi tính đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Bởi bản thân các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp, cũng có các phương án kinh doanh đảm bảo doanh thu lợi nhuận và hệ số rủi ro. Vậy nên việc ngân hàng thương mại tự tính toán các chương trình tín dụng dựa trên chủ trương hỗ trợ cũng không có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ.
“Điều quan trọng là việc Chính phủ phải giữ vai trò cầu nối đảm bảo giữa doanh nghiệp và ngân hàng để cải thiện góc nhìn của hai bên về nhau. Doanh nghiệp phải xác định việc kênh tín dụng ngân hàng mới là dòng vốn tối ưu nhất cho doanh nghiệp hoạt động, ngân hàng cũng nhìn nhận về các yếu tố phục hồi để cởi mở hơn. Hiện tại, khi việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, có thể nhiều doanh nghiệp vì muốn duy trì hoạt động ngắn hạn sẽ sử dụng đến các nguồn tín dụng khác với mức độ rủi ro cao”, ông Tiến chia sẻ.