Những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường ASEAN của VNPT Technology đang mở ra cánh cửa xuất khẩu thiết bị viễn thông cho Tập đoàn VNPT.
Từ năm 2013, VNPT đã có ý định xuất khẩu thiết bị viễn thông. Nhưng lúc đó, hạ tầng, nhà máy chưa đủ năng lực sản xuất. Mặt khác, VNPT đang bước vào cuộc tái cơ cấu quyết liệt, toàn diện, đến nay “giấc mơ” này của VNPT mới thực hiện được.
Trên thực tế, việc xuất khẩu thiết bị của VNPT nằm trong chiến lược “hậu tái cơ cấu” của tập đoàn này, đó là bước chân vào sản xuất công nghiệp.
Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, VNPT còn đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị viễn thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây không lâu, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, lãnh đạo VNPT đã thống nhất xác định sản xuất công nghiệp là mũi nhọn, là sức mạnh cạnh tranh của VNPT trong tương lai. Trong một thế giới công nghệ luôn thay đổi, các hãng công nghệ, nhà mạng lớn trên thế giới đều rất cần những nhà sản xuất. Và chỉ có sản xuất công nghiệp, VNPT mới tự chủ, phát triển ra các thị trường nước ngoài.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của VNPT cũng khẳng định, khối công nghiệp của VNPT có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển, vì không phải tập đoàn viễn thông nào cũng làm công nghiệp, nhưng VNPT làm với lợi thế hạ tầng sẵn có và làm chủ được công nghệ. Chỉ khi mình hoàn toàn chủ động và làm chủ công nghệ mới có thể đưa các ứng dụng, dịch vụ của mình trên các thiết bị đầu cuối một cách linh hoạt. Nếu mua các thiết bị đầu cuối thì không thay đổi dịch vụ được, vì nhà cung cấp thiết bị này sản xuất để cung cấp theo hình thức đóng gói.
Nhiệm vụ này được VNPT giao cho VNPT Technology. VNPT Technology vừa là đơn vị nghiên cứu phát triển, vừa thiết kế sản phẩm, sản xuất cung cấp cho VNPT, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sau một thời gian xây dựng và phát triển, VNPT Technology hiện đã có đầy đủ điều kiện để trở thành một nhà sản xuất thiết bị viễn thông đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện VNPT Technology có tới 600 kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ CNTT làm việc trong các trung tâm R&D, chiếm 60% trong 1.000 nhân lực của Công ty. VNPT Technology đã làm chủ hoàn toàn sản phẩm từ khâu thiết kế, kiểu dáng bo mạch và phần mềm nhúng, điều khiển.
Sản phẩm của VNPT Technology tập trung vào hai mảng chính, đó là giải pháp công nghệ và thiết bị điện tử viễn thông. Mảng giải pháp công nghệ gồm: WiFi 3G Offload, giải pháp smart talk, giải pháp truyền hình Internet… và tới đây là giải pháp mới ảo hóa chức năng mạng trên nền Cloud, hoặc bigdata, IoT, đón đầu nhu cầu chuyển dịch sắp tới của nhà mạng.
Mảng thiết bị cũng có khá nhiều sản phẩm tiêu biểu như Modem ADSL 2+ Wifi Router, GPON – ONT, AON, WiFi Access Point... Thiết bị cho người dùng cuối như smartphone, VNPT smart box…
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc marketing và truyền thông của VNPT Techlonogy cho biết, sản phẩm chủ lực nhóm thiết bị tiêu dùng mà VNPT Technology đang sản xuất là set top box MyTV, Android box (VNPT smart box) và đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Riêng DVB-T2 thời gian qua đã tiêu thụ khoảng 300.000 chiếc. Để đáp ứng nhu cầu của VNPT, thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, trong thời gian qua, VNPT Technology tiếp tục đầu tư thêm nhà máy sản xuất trên Láng - Hòa Lạc với diện tích khoảng 4 ha.
Hiện tại đã cho hoạt động 1 dây chuyền (giai đoạn I) và sắp tới sẽ đưa tiếp 2 dây chuyền nữa vào hoạt động. Đây đều là các dây chuyền đa năng, có thể sản xuất cùng một lúc nhiều loại sản phẩm. Công suất giai đoạn I của nhà máy trên Hòa Lạc gấp 3 lần nhà máy của VNPT Technology đặt ở Hoàng Quốc Việt. Nếu nhà máy trên Hòa Lạc hoạt động đủ công suất thì VNPT Technology có thể cung cấp khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, nhưng thị trường Việt Nam hiện chỉ tiêu thụ tối đa 200.000 - 300.000 sản phẩm/tháng, tức chỉ khoảng 30% năng lực sản xuất của nhà máy, nên VNPT Technology đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm.
“VNPT Technology không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu cho Tập đoàn VNPT và cung ứng cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hiện VNPT Technology đã nhận được các đơn hàng từ Lào, Myanmar và cũng đang xúc tiến một số thị trường như Malaysia, Iran, các nước Đông Âu, Ấn Độ. Năm 2016, VNPT Technology sẽ còn nhận được rất nhiều đơn hàng từ thị trường nước ngoài”, ông Kiên cho biết.
VNPT đang đi tiên phong trong xuất khẩu thiết bị viễn thông - mảng sản xuất mà Việt Nam chưa có sự hiện diện trong bản đồ xuất khẩu. Chắc chắn rằng, chặng đường phía trước của VNPT còn lắm chông gai, nhưng nếu hanh thông, VNPT sẽ mở ra một cánh cửa mới cho doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin của Việt Nam.
Hữu Tuấn / baodautu.vn