Trong khi chờ phía Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam được vào lại quốc gia này, một số doanh nghiệp kinh doanh trong nước đã chấp nhận rủi ro, ký gửi sản phẩm hoặc tăng tiêu thụ nội địa với giá thấp nhằm giải quyết tình huống này.
Doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để giải quyết tồn kho nông sản trong "mùa virus corona". Ảnh: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 4-2, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, 3 container thủy sản hôm mùng 7 Tết không được Hải quan phía Trung Quốc cho qua cũng đã được thông quan.
Tuy nhiên, theo ông Văn, các cảng biển phía Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thanh Đảo vẫn chưa được mở cửa vào ngày 3-2 như dự kiến, mà phải đợi đến ngày 8 hoặc 9-2 tới mới mở cửa trở lại. “Các công ty khác tôi không biết thế nào, riêng Trường Giang, các đơn hàng chỉ bị chậm lại thôi, chứ họ không có hủy”, ông Văn nói và thông tin với các đơn hàng mới, phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái mua thêm.
Riêng với măt hàng cây ăn trái nói chung và thanh long nói riêng, bà Huỳnh Kim Phụng, đại diện nhà kho thanh long Long Việt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, các cửa khẩu giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc đến nay vẫn đóng. “Hôm nay, nghe thông báo cảng Shanghai (Thượng Hải), cảng biển lớn của Trung Quốc, cũng đã tạm ngừng hoạt động luôn rồi”, bà Phụng cho biết.
Theo bà Phụng, nếu đóng cửa khẩu với Trung Quốc vẫn tiếp tục kéo dài thì tình hình sẽ còn trầm trọng hơn so với hiện nay rất nhiều. “Tình hình này khả năng sẽ còn kéo dài”, bà dự báo.
Trong bối cảnh khó khăn như nêu trên, bà Phụng cho biết, mỗi đơn vị, doanh nghiệp sẽ có cách tính toán riêng để giải quyết hàng tồn kho, nhưng sẽ có những cách được lựa chọn là đẩy mạnh bán hàng nội địa hoặc có thể ký gửi với khách hàng đối tác.
Theo bà Phụng, với việc ký gửi cho đối tác bán sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng chỉ giải quyết tình huống, chứ không thể tiêu thụ được nhiều vì có nhiều thị trường không tiêu thụ thanh long ruột đỏ.
“Như Thái Lan chẳng hạn, thanh long ruột trắng họ ăn, dù giá ruột trắng cao hơn ruột đỏ, nhưng mình gửi bán ruột đỏ họ không nhận”, bà cho biết và nói rằng trường hợp khách hàng nhận ký gửi bán thử khi: nếu bán không được, thì phải chấp hủy bỏ.
Bà Phụng cho biết, việc ký gửi có rủi ro rất lớn vì nếu doanh nghiệp ký hợp đồng bán trực tiếp, thì giá bán đã được định hình trên cơ sở ‘thuận mua, vừa bán”, còn chấp nhận ký gửi, thì bán được bao nhiêu đối tác trả bấy nhiêu.
Tuy nhiên, bà Phụng cho biết, nếu đối tác bán không được, thì coi như bị mất trắng vì doanh nghiệp đã phải chịu chi phí lưu kho lạnh, mất khoảng 8.000-10.000 đồng/kg cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế các thứ…, thì khi qua đến đối tác phải mười mấy ngàn đồng/kg.
“Nếu không bán được đồng nghĩa bị mất hàng, trong khi những chi phí như vậy không phải nhỏ nên rủi ro rất lớn”, bà tái nhấn mạnh và thông tin doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận vì buộc giải quyết hàng tồn kho.
Trường hợp trữ trong kho lạnh chờ qua giai đoạn khó khăn, thì với mặt hàng thanh long, chỉ được khoảng 10 ngày, nhưng khi đó, trái thanh long sẽ bị mất nước, chất lượng giảm đi, cho nên, nếu tình hình chung của ai cũng giống như vậy còn đỡ, “chứ nếu hàng mình trữ như vậy, mà gặp hàng mới cạnh tranh, thì hàng trữ này chắc chắn sẽ khó”, bà nói.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của một doanh nghiệp, việc chấp nhận rủi ro để giải phóng tồn kho như nêu trên trong trường hợp khi doanh nghiệp đã trót “ôm” hàng trước đó, nhưng không thể trữ được lâu nhằm thu hồi vốn, chứ doanh nghiệp "không dại" mua mới để ký gửi như vậy.
“Doanh nghiệp mua mới để tiêu thụ cho những đơn hàng trong nước thì có” vị này cho biết, nhưng thông tin, giá mua bán cũng thường thấp hơn rất nhiều vì mặt bằng giá giao dịch trong nước đã định hình ở mức thấp hơn.
Theo Trung Chánh / (TBKTSG Online)