Thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về 30% từ ngày 1/1/2017 không làm nguội những kế hoạch đầu tư đã được lên tại các doanh nghiệp ô tô.
Doanh nghiệp FDI: nhập cho nhanh
Honda Civic thế hệ thứ 10 sẽ chính thức được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam kể từ năm 2017. Sự kiện này sẽ là đáng nhớ với Honda Việt Nam trong việc đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, bởi Civic là mẫu xe ô tô đầu tiên mà ông lớn này giới thiệu khi bước chân vào địa hạt 4 bánh hồi năm 2006. Đây cũng là mẫu xe ô tô đầu tiên được chọn để lắp ráp tại Nhà máy Honda Việt Nam có vốn đầu tư 60 triệu USD. Nhà máy ô tô của Honda Việt Nam cũng từng nhận được sự đánh giá cao vì đã cống hiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi trở thành nơi đầu tiên có trang bị dây chuyền lắp ráp động cơ ở thời điểm đó.
Dẫu vậy, sau 10 năm hoạt động, chỉ có hơn 20.000 xe Civic bán ra thị trường, tức là mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 xe, tương đương với việc mỗi ngày, dây chuyền lắp ráp xe Civic chỉ cần làm7 chiếc đã đủ để phục vụ bán hàng.
Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải chuyên về công nghiệp ô tô.
Dĩ nhiên, vẫn còn những mẫu xe khác được Honda lắp ráp trên dây chuyền này như City hay CRV nhưng với Civic, đó dường như là quá đủ để chuyển sang thành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Cũng chính thức tung ra mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam, còn có Toyota Fortuner với lễ ra mắt chính thức vào ngày 5/1/2017 tới, sau khi đang nhập khẩu nguyên chiếc các mẫu xe Yaris, Hilux,
Land Prado và Land Cruiser và Hiace.
Fortuner của Toyota Việt Nam được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 2/2009. Tính tới hết tháng 9/2016, đã có gần 60.000 xe Fortuner được bán ra thị trường Việt Nam. Như vậy, dù bình quân 1 tháng có khoảng 600 xe Fortuner được bán ra thị trường - tương đương gần đó xe được sản xuất theo phương pháp “Just in time” - không có tồn kho, nổi tiếng của Toyota, nhưng con số này vẫn không đủ hấp dẫn để thương hiệu số 1 trên thị trường Việt Nam níu kéo việc sản xuất tại Việt Nam.
Cũng không thể trách cứ các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài khi mà Việt Nam - dù có thị trường ô tô rất tiềm năng, nhưng lại chưa kích thích sản xuất trong nước phát triển.
Hồi giữa năm 2015, ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cũng thừa nhận, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, với chi phí sản xuất hiện nay, xe lắp ráp không thể cạnh tranh với xe nhập khẩu. “Thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 không phải là vấn đề của năm 2018, mà đã là vấn đề hiện nay, bởi muốn đưa ra xe mới cần 2-3 năm để chuẩn bị, nên đây là thời điểm cần đưa ra các quyết định đầu tư tiếp theo nên như thế nào”, ông Kato, khi đó đã nói vậy.
Toyota hay Honda từng được cho là có những ý định đầu tư lớn hơn vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hồi năm 2015 để chuẩn bị cho thị trường và thời điểm 2018. Tuy nhiên, việc chậm đưa ra những chính sách cụ thể, dứt khoát hay quá khứ có nhiều thay đổi trong chính sách với mặt hàng ô tô đã khiến các doanh nghiệp này đứng nhìn.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không ngại thừa nhận, nếu tình hình không có thay đổi, các nhà sản xuất trong nước buộc phải chuyển sang nhập khẩu, thay vì sản xuất trong nước, vì nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia về rẻ hơn hẳn. Dĩ nhiên, đó là kịch bản xấu nhất.
Và thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp đã quyết định nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan bởi những lợi thế về thuế rất rõ ràng khi hệ thống các cơ sở sản xuất của công ty mẹ đã có mặt tại các nước khác trong ASEAN.
Chờ đột phá nội địa
Có quy mô hơn 2.000 tỷ đồng, Dự án Đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Ô tô Trường Hải (Trường Hải) với sản phẩm xe bus lớn và mini bus sẽ tiếp tục là điểm nhấn của ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Nhà máy xe bus mới có công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus lớn và 12.000 xe mini bus sẽ do 2 đối tác là Thaco và Hyundai cùng triển khai.
Dự án Đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Trường Hải thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) sẽ giúp Việt Nam sản xuất ra xe bus có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và hướng đến xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN.
Tại Dự án này, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Lắp ráp ô tô khách Trường Hải (Thaco Bus) đã nghiên cứu, đề xuất và được Tập đoàn Hyundai chấp thuận cho phép nội địa hóa các linh kiện, chi tiết của xe mini bus H350 với các chi tiết như bộ ghế hành khách, bộ dây điện, các chi tiết nhựa nội thất, toàn bộ kính (kính chắn gió, kính hông và kính cửa). Theo kế hoạch, tất cả các chi tiết này đều được sản xuất bởi chính các nhà máy sản xuất, linh kiện, phụ tùng của Trường Hải đang hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Đây cũng là cơ hội lớn để tiến tới sản xuất thân xe (body) ở Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu mà Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Trước đó, năm 2006, với dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe bus tại Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Trường Hải đã khởi đầu nghiên cứu và sản xuất những chiếc xe khách giường nằm đầu tiên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Kế tiếp, năm 2010, Trường Hải đã quyết định đầu tư thêm Nhà máy xe bus chuyên biệt Thaco Bus tại Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải với thiết kế theo modun lấp lẫn, được công nhận đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO 1649.
Song song với quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Thaco Bus hiện có, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) thuộc Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải đã nghiên cứu, thiết kế và đưa vào sản xuất các sản phẩm xe bus mang thương hiệu Việt - THACO, với tỷ lệ nội địa hóa từ 40 - 46%, công năng phù hợp với điều kiện vận tải hành khách tại Việt Nam.
Không chỉ có dự án xe bus Hyundai, Trường Hải đang ráo riết chuẩn bị nhấn nút Dự án Sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm (giai đoạn I là 50.000 xe) tại Khu công nghiệp Ô tô Chu Lai - Trường Hải ở Quảng Nam, với sự hợp tác của Công ty Mazda (Nhật Bản).
Ở dự án này, ngoài Mazda, còn có hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản là vệ tinh cho Mazda cùng tới Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đầu tư.
Tổng mức đầu tư cho công nghiệp ô tô của Trường Hải tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải kể từ năm 2002 đến tháng 10/2016 là khoảng 32.000 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD). “Chúng tôi lựa chọn các thương hiệu quốc tế chưa có nhà máy tại khu vực ASEAN hoặc đang muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này để cùng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, nhắm tới cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Trường Hải nói.
Tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, Trường Hải có kế hoạch đầu tư mới 30.470 tỷ đồng cho xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển... trong giai đoạn 2016 -2018. Trong kế hoạch này, hoạt động đầu tư được triển khai chủ yếu trong năm 2017 và 2018, với hơn 24.000 tỷ đồng. Mục tiêu là tới năm 2018, Trường Hải sẽ có 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 5 doanh nghiệp logistics và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, hậu cần. Cùng với hoạt động đầu tư chiều sâu này, số lao động trong chuỗi giá trị của Trường Hải sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay lên 150.000 người sau năm 2018. Số doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện cũng sẽ được mở rộng mạnh mẽ.
Không chỉ có Trường Hải, Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cũng đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trong việc thành lập liên doanh lắp ráp ô tô tại Ninh Bình. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho hay, liên doanh sẽ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, còn phân phối vẫn do Hyundai Thành Công đảm trách.
Với thỏa thuận này, một tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp phụ trợ quy mô vốn đầu tư có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, tạo ra việc làm cho hơn 8.000 lao động sẽ được hình thành tại Ninh Bình không bao lâu nữa. Nơi đây sẽ vừa cung cấp xe Hyundai cho thị trường nội địa, đồng thời xuất khẩu sang các nước ASEAN khác.
“Tư duy của người nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu là họ làm ở đâu rẻ, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Không thể ép họ làm, nếu ở Việt Nam làm mất 5 đồng, trong khi làm ở nước khác chỉ mất 3 đồng cho cùng một sản phẩm”, ông Dương nói.
Từ thực tế đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe tải, xe buýt hay xe con của các thương hiệu Kia, Mazda và Peugeot thời gian qua, ông Dương cho biết, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô của Trường Hải sẽ đi theo hướng nội địa hóa các chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, vẫn phải sử dụng nhiều nhân công và các chi tiết mà làm ở Việt Nam có lợi thế hơn, rồi tiến tới mở rộng ra các chi tiết có độ phức tạp hơn. Theo đó, các chi tiết như ghế, thân vỏ xe được Trường Hải tập trung nội địa hóa.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng cho hay, phải có những ưu đãi thực sự và khác biệt thì mới mong có một vài doanh nghiệp đầu tư mạnh cho phát triển mạnh công nghiệp ô tô trong thời gian còn lại không nhiều trước khi tới thời điểm cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ ASEAN có thuế suất 0% vào năm 2018.
Thanh Hương / baodautu