Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với hoạt động sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp suy nghĩ và đưa ra sản phẩm mới, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.
Để duy trì sản xuất, kinh doanh trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp rất quan tâm chăm lo sức khỏe người lao động.
Sáng tạo sản phẩm mới
Chiều muộn ngày cuối tuần, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bất ngờ khi nhận được 2 hộp carton trắng do “vua bánh mì” Kao Siêu Lực chuyển đến tận nhà.
Thấy tình hình xuất khẩu thanh long gặp khó, ông Kao Siêu Lực tập trung nghiên cứu, quyết định thử nghiệm sản xuất bánh mì làm từ thanh long.
“Tôi rất cảm động khi cầm những ổ bánh mì vàng rộm còn nóng. Chia cho mấy người trong nhà ăn thử, vỏ bánh giòn xốp, ruột đặc, dẻo thơm, điểm xuyết những hạt li ti của trái thanh long như rắc mè đen mà thoảng chút mùi thơm của thanh long rất thanh. Có lẽ trên thế giới, chưa ai làm bánh mì thanh long”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Sau “cơn sốt” bánh mì thanh long từ ông Kao, nhiều người cũng đã cũng tìm hiểu, tự tạo công thức cho riêng mình, rồi sản xuất ra những mẻ bánh mì đầu tiên từ nguyên liệu thanh long ruột đỏ.
Việc dùng nước ép từ những loại trái cây, rau củ tươi cũng được đưa vào nhiều sản phẩm khác. Doanh nhân trẻ Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Duy Anh ở Củ Chi (TP.HCM), nổi tiếng với các sản phẩm bánh tráng, bún, phở khi đưa nước ép củ dền, nghệ, trà xanh vào làm nguyên liệu sản xuất.
Các sản phẩm này đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Canada, Hà Lan. Hay gần đây, sản phẩm mì và bánh tráng của công ty này đã được hợp tác nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Chăm lo người lao động
Covid-19 đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp. Nhưng nỗi lo lớn nhất của lãnh đạo Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn không phải thiếu nguyên liệu hay giảm doanh thu từ thị trường Trung Quốc, mà lo ngại là công nhân - vốn quý nhất của doanh nghiệp chẳng may nhiễm bệnh.
Sản phẩm nút áo, muỗng làm từ vỏ sò, ngọc trai của Tôn Văn dù cũng được tiêu thụ sỉ, lẻ tại thị trường Trung Quốc, nhưng ở các thị trường khác cũng được tiêu thụ rất lớn. Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1997), lãnh đạo Công ty Tôn Văn đã xác định phải sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
“Ngay từ đầu, chúng tôi phải tự đặt bài toán khó cho chính mình trong chất lượng sản phẩm. Đó cơ sở chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…và vị thế mình cũng khác”, ông Tôn Thạnh Nghĩa, nhà sáng lập và là Chủ tịch Công ty Tôn Văn cho biết.
Thành quả sau 23 năm nỗ lực phấn đấu không ngừng, Tôn Văn được nhiều người trong nghề gọi là “vua nút áo”.
“Có những khách hàng nói rằng, đơn hàng nút áo nào Tôn Văn từ chối không sản xuất được thì có lẽ, trên thế giới không doanh nghiệp nào sản xuất được”, ông Nghĩa chia sẻ.
Để đảm bảo sức khỏe công nhân trong mùa dịch, Công ty Tôn Văn áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như xịt khuẩn, thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang y tế, khám sức khỏe thường xuyên cho người lao động…
Ngày 13/2 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức họp với các tổ chức hội, doanh nghiệp thành viên và ghi nhận phản ánh về sự tác động của dịch bệnh Covid-19.
Hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình về nguyên liệu, lao động và đầu ra sản phẩm.
Rõ nhất là ở những ngành như dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, kinh doanh ăn uống, giao dịch ngân hàng, nông nghiệp, xuất khẩu nông sản… Khả năng những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục lại hoạt động bình thường như trước.
HUBA đã kiến nghị UBND TP.HCM áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung danh mục ngành nghề vào chương trình kích cầu… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố.