Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chỉ chưa đầy 5 năm, từ năm 2012 đến tháng 6/2016, vốn đầu tư của DN Thái Lan vào Việt Nam đã lên tới con số 8 tỷ USD. Thái Lan đang phấn đấu trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam trong vòng 2 - 3 năm tới.
Ảnh minh họa
DN Thái Lan đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính và cơ sở hạ tầng.
Theo ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng DN Thái Lan - các nhà đầu tư Thái Lan mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường Việt Nam bởi hàng Thái được nhiều người Việt ưa chuộng. Hơn nữa, nếu so sánh, chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước khác. Việt Nam cũng có nguồn lao động dồi dào, có tay nghề và chăm chỉ, học hỏi nhanh.
Ngoài cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN tạo động lực lớn để nhà đầu tư Thái Lan đem vốn tới Việt Nam. Không chỉ hướng vào thị trường trên 93 triệu dân của Việt Nam, DN Thái còn nhìn xa hơn khi tham vọng mở rộng hơn nữa thị phần tại EC với dân số 600 triệu người, tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD.
DN Thái Lan mong muốn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. |
Nhiều dự án lớn của nhà đầu tư Thái Lan đã được triển khai tại Việt Nam. Cụ thể, Siam Cement Group (SCG) - một trong những tập đoàn lớn của Thái Lan - sẽ tiến hành tăng vốn, thông qua việc mở rộng đầu tư với các dự án hiện có tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn Central Group đã hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD, Tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, trị giá 876 triệu USD…
DN Thái Lan đến Việt Nam mang theo vốn và công nghệ, nhờ đó, DN Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quản lý đến việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chế tạo và sản xuất. Đây là những điểm mà các DN Việt Nam đang rất cần có để có thể phát triển lớn mạnh hơn nữa. Đơn cử như trong ngành dệt may, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu về nguyên vật liệu cũng như công nghệ sản xuất. Trong khi đó, DN Thái Lan lại có thế mạnh về lĩnh vực này. Vì vậy, hai bên có thể hỗ trợ nhau cùng tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.