Gần 20 công ty sản xuất thép xây dựng với nhiều tên tuổi lớn đã cùng ký tên trong đơn kiến nghị khẩn thiết mong Bộ Công thương, Bộ Tài chính có các giải pháp kịp thời để bảo vệ sản xuất trong nước.
Thay tên để hưởng lợi
Trước đó, vào tháng 3/2016, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Theo phán quyết của Bộ Công thương, thuế phôi thép ở mức 23,3% sẽ được duy trì tới ngày 21/3/2017, sau đó giảm dần và về 0% từ ngày 22/3/2020. Tương tự, với thép dài có mức thuế tự vệ 14,2% được áp dụng đến ngày 21/3/2017 và về 0% từ ngày 22/3/2020.
Rất nhanh chóng, biện pháp này đã mang lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là một số doanh nghiệp có sản xuất phôi thép như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco)…
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong 10 tháng của năm 2016 tăng lần lượt 20,8% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng sản xuất phôi thép đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ.
VSA cũng cho hay, một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp thoát lỗ, có lãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, để đối phó với các biện pháp tự vệ được áp dụng với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu đã nhanh chóng kê khai mặt hàng thép dây cuộn (hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại) sang mã HS khác để tránh bị áp thuế tự vệ.
Thống kê cho thấy, trước khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn nhập khẩu được kê khai vào mã 7227.90.00 là thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Crom, Titan… để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Trong 10 tháng của năm 2016, lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.
Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với mô tả là loại khác, có thuế suất thuế nhập khẩu là 3%. Điều này đã dẫn tới tổng lượng nhập khẩu trong 10 tháng năm 2016 của mã HS này đã tăng gấp 4 lần về khối lượng so với năm 2015. Riêng tháng 10/2016, đã có 144.000 tấn thép khai mã HS này được nhập khẩu, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, tiêu chuẩn kỹ thuật mà các doanh nghiệp kê khai khi nhập khẩu thép mã HS 7213.91.90 đều là các mác thép của loại thép carbon thông dụng, có các giới hạn kỹ thuật nằm trong giới hạn của thép làm cốt bê tông. Các lô hàng thép cuộn mà các doanh nghiệp nhập khẩu theo mã này mặc dù theo mô tả hải quan là không làm thép cốt bê tông, nhưng hoàn toàn có thể được sử dụng như thép cốt bê tông.
Như vậy, với việc thay tên, đổi họ, khai sang mã HS khác, các mặt hàng thép cuộn nhập khẩu ở mã 7213.91.90 chỉ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu là 3%, trong khi nếu phải áp mã HS 7227.90.00 sẽ có thuế nhập khẩu lên tới 15,4% hay áp mã HS 7213.10.00 phải chịu thuế nhập khẩu là 30,4% và nếu áp mã HS 7213.91.20 thì thuế nhập khẩu lên tới 35,4%.
Cạnh tranh khốc liệt
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp thép trong nước kỳ vọng, cơ quan chức năng sẽ sớm có phản hồi về kiến nghị của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó giám đốc Công ty Sản xuất Thép Úc SSE cho hay, nếu so với việc áp thuế tự vệ cao để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước cách đây ít lâu, thì sản xuất thép xứng đáng nhận được sự bảo vệ tương tự.
“Lượng phôi sản xuất trong nước chưa đáp ứng được 100% nhu cầu cán thép mà đã có biện pháp bảo vệ nhanh và mạnh như vậy, trong khi sản xuất thép cán trong nước đã đáp ứng được nhu cầu và hiện đang dư công suất thì càng cần có những hỗ trợ hợp lý. Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan hữu trách sẽ có những biện pháp cần thiết ngay từ đầu năm 2017”, bà Trang nói.
Theo Bộ Công thương, với năng lực sản xuất hiện tại là 11 triệu tấn, ngành thép có khả năng đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước về thép xây dựng.
Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, hiện các cơ quan hữu trách đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp để tính toán việc áp mã HS cho phù hợp, tránh để doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn lo ngại, đối phó với nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc là không dễ dàng, bởi công suất của ngành thép Trung Quốc quá lớn nên hoàn toàn chi phối được về giá. “Không loại trừ thời gian tới, thép cuộn sản xuất từ Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm các nguyên tố đặc biệt nào đó để lại được phân loại vào nhóm khác, hưởng thuế suất thấp, tránh được việc bị áp thuế tự vệ ở mức cao, dù thực tế vẫn là thép xây dựng, thép làm bê tông”, một doanh nghiệp nêu ý kiến.
Thanh Hương / baodautu