Các doanh nghiệp thuỷ sản đang phải vay vốn bằng VND với lãi suất cao hơn từ 6,0-6,5%/năm.
Xin vay ngoại tệ để phục vụ sản xuất, xuất khẩu
Ngày 8.4, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cơ quan này đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước kiến nghị xem xét về việc cho các doanh nghiệp thủy sản có thêm cơ hội để vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Theo VASEP, Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, gia tăng xuất khẩu. Thế nhưng, kể từ tháng 4.2016, doanh nghiệp xuất khẩu mang lại ngoại tệ không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm. Thay vào đó, các doanh nghiệp này phải vay vốn bằng VND với lãi suất cao hơn từ 6,0-6,5%/năm.
VASEP nói rằng điều này không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.
Chưa kể, năm 2016, ngành nông lâm thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với việc sức cạnh tranh bị giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2015 đạt 30 tỉ USD, giảm mạnh so với năm 2014. Tính riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt khoảng 6,7 tỉ USD, giảm hơn 1 tỉ USD so với năm 2014.
Năm 2015, nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đã phá giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và vòng xoáy giảm giá xuất khẩu đã khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam phải vay tiền VND cho các nhu cầu ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, mà việc chênh lệch đáng kể lãi suất giữa ngoại tệ và VND sẽ càng đẩy giá thành khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cao hơn. VASEP nói điều này tác động trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng thủy sản nói riêng.
Hơn nữa, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất xuất khẩu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2015 do đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Các doanh nghiệp này chưa thể bắt kịp cơ cấu, sắp xếp được nguồn vốn khả dĩ cho các phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu năm 2016. Với quy định chỉ cho vay đến 31.3.2016, các doanh nghiệp đang phải chuyển sang vay nguồn ngắn hạn bằng VNĐ lãi suất cao hơn nên càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định về việc cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, để các doanh nghiệp này có thêm cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Trước đó, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, Thông tư 24/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 31.3.2016 quy định về việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng nội tệ.
Theo ông Dũng, đây là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu trong nước chứ vay không phải vì nhập khẩu hàng hóa mà họ vay ngoại tệ sau đó bán lại cho các ngân hàng để sử dụng nhu cầu vốn trong nước, qua đó họ được hưởng lãi suất thấp của vay ngoại tệ.
Vì vậy, giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ.
Kiến nghị hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với thủy sản nhập khẩu
Cũng ngày 8.4, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính về việc cho phép hàng thủy sản được hoàn thuế trước kiểm tra sau nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản.
Cụ thể, ngày 25.3.2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo thông tư này, hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất phải kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, hàng thủy sẽ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
VASEP nói rằng điều này sẽ gây nhiều ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản bởi gần 90% lượng nguyên liệu thủy sản này là sản xuất hàng xuất khẩu, không phải tiêu thụ trong nước.
Hơn nữa, bản chất của kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng thủy sản liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm chứ không có cơ sở liên quan đến tiền thuế phải nộp. Thế nhưng, hàng nguyên liệu thủy sản lại bị liệt vào danh sách phải kiểm tra rồi mới hoàn thuế.
Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản nhận định, chỉ có những hàng hóa như hóa chất cần kiểm tra chất lượng nhà nước để xác định mã số để xem doanh nghiệp khai có đúng tiền thuế có đúng thực tế hay không thì mới cần xem kết quả kiểm tra chất lượng nhà nước trước khi hoàn thuế cho doanh nghiệp. Trong khi trên thực tế, kết quả kiểm dịch, kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm hàng thủy sản không liên quan đến tiền thuế nhập khẩu.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản, VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét và trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung để cho các mặt hàng thủy sản không thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Trước đó, ngày 3.7.2015, hiệp hội này cũng đã gửi Công văn 106 kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, theo VASEP, ngày 4.8.2015, sau khi nhận được công văn số 106 của VASEP, Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng Cục Hải quan) đã có Công văn gửi VASEP ghi nhận vướng mắc và sẽ có câu trả lời sớm nhất nhưng đến nay doanh nghiệp thủy sản vẫn đang chờ đợi được xem xét.
Phan Diệu / motthegioi.vn