Nhiều doanh nghiệp cho biết hơn 2 tháng nay phải "thở oxy" và đang thoi thóp, mong TP HCM sớm mở dần nền kinh tế để trụ lại.
Đến nay, TP HCM đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội. Cùng với nhiều mức độ siết chặt tăng dần là sự gia tăng về số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Những doanh nghiệp còn sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" cũng thoi thóp vì chi phí tăng cao và nguồn lực hạn hẹp.
Một doanh nghiệp sản xuất hạt điều ở quận Thủ Đức đã ngưng hoạt động từ giữa tháng 7 đến nay do không đáp ứng được ba tại chỗ. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, họ đang phải "thở oxy" để cầm cự qua ngày.
Nếu dịch sớm được kiểm soát trong tháng 9 và độ bao phủ vaccine đạt 70%, thành phố cho mở cửa trở lại sớm, họ sẽ nhận các đơn hàng xuất khẩu trong quý IV. "Đây là thời điểm quyết định để doanh nghiệp bớt khó khăn khi dịch bệnh chặn đứng đà phát triển trong thời gian qua", lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Vị này tính toán, giai đoạn đầu nếu được hoạt động lại trong nửa tháng 9, doanh nghiệp sẽ bố trí khoảng 30-50 công nhân làm việc và tăng dần khi dịch bệnh giảm. Chỉ có như vậy mới giúp công ty thoát khỏi chuỗi đứt gãy sau một thời gian dài ngưng hoạt động.
Tương tự, Phó tổng giám đốc một công ty điện tử tại TP HCM cho biết, 2 tháng qua, nguồn thu gần như bằng không nhưng doanh nghiệp vẫn phải "gồng mình" đảm bảo các nguồn chi cố định như tiền mặt bằng, lương tối thiểu cho nhân viên, hệ thống dịch vụ công nghệ thông tin...
Ông ví von, việc đóng cửa giãn cách xã hội giống như buộc doanh nghiệp phải tự "thở oxy bình" và sau hơn hai tháng, mức oxy này cũng dần cạn. Do đó, ông cho rằng, TP HCM không thể tiếp tục "khóa chặt" nền kinh tế, vì như vậy doanh nghiệp sẽ chết.
Công nhân của một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP HCM may khẩu trang kháng khuẩn để xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Ảnh: Nguyệt Nhi
Không chỉ các doanh nghiệp ngưng sản xuất muốn sớm được hoạt động lại mà nhóm "3 tại chỗ" cũng mong TP HCM nới lỏng giãn cách trong tháng 9 để "dễ thở" hơn.
Thực hiện "3 tại chỗ" từ những ngày đầu thành phố có dịch, Công ty cổ phần Ba Huân cho biết khá chật vật với mô hình này. Chi phí cho hoạt động này tăng 50%, trong khi người lao động cũng đã ở cùng doanh nghiệp quá lâu nên họ rất muốn về nhà.
"Nếu tháng 9 này, TP HCM nới lỏng hoạt động cho doanh nghiệp sẽ là tín hiệu rất đáng mừng. Nếu cứ làm 3 tại chỗ mãi, doanh nghiệp cũng sẽ đuối sức, còn người lao động mệt mỏi và muốn nghỉ việc", Tổng giám đốc Phạm Thị Huân bộc bạch.
Còn với VFood, theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc, doanh nghiệp cũng đang "hụt hơi" khi thực hiện "3 tại chỗ", nhất là khi lực lượng lao động giảm mạnh. Thời gian đầu khi thực hiện "3 tại chỗ", lao động giảm 20%, tới nay giảm đến 50%, nhiều lao động xin về và không trở lại.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu tồn kho cũng đang cạn dần. Thành phố không cho mở cửa trở lại, doanh nghiệp cũng không đủ nguyên phụ liệu đầu vào để tiếp tục sản xuất "3 tại chỗ". Các cơ sở sản xuất bao bì, tem, nhãn, thức ăn chăn nuôi đang tạm ngưng hoạt động.
"Nếu thành phố không sớm mở cửa, chuỗi sản xuất sẽ đứt gãy thật sự", ông Thiện lo lắng và cho rằng, các doanh nghiệp đang mong chờ TP HCM cho mở cửa dần từ 15/9.
Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Dệt May Thêu Đan cũng đang ngóng TP HCM mở cửa từng ngày sau khi đã cố gắng duy trì mô hình 3 tại chỗ, ưu tiên các đơn hàng khẩn cấp để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, các doanh nghiệp cũng đang kiệt quệ. Mặt khác, khá nhiều đơn hàng cho quý IV cần doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nếu không mở cửa sớm trong tháng 9 này, các đơn hàng cần giao sẽ khó đáp ứng.
"Đặc thù của dệt may là theo mùa và mùa này đơn hàng cận Tết khá dồi dào. Do đó, nếu tiếp tục giãn cách, doanh nghiệp sẽ gãy chuỗi sản xuất và mất đơn hàng quý IV. TP HCM nên mở cửa sớm trong tháng 9 để doanh nghiệp dễ dàng trong kế hoạch kinh doanh và nhận đơn hàng cho quý IV", ông Hồng đề xuất.
Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 có 80% công nhân đã tiêm vaccine mũi một và một vài nhóm đã tiêm mũi hai. Do đó, công ty sẵn sàng cho mở rộng hoạt động cũng cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, cơ cấu lại sức khoẻ tài chính và lên kế hoạch tốt nhất.
Nhóm kinh doanh thực phẩm chế biến như nhà hàng, quán ăn cũng đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch cho ngày mở cửa trở lại.
Ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng gồm 2 thương hiệu bánh Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken tính toán, nếu được mở cửa sớm, sẽ cho hoạt động khoảng 1-2 cửa hàng trước để bán online và giao hàng tận nơi.
"Chúng tôi đã có kế hoạch cho sự trở lại nhưng không ồ ạt vì người lao động về quê khá nhiều, một số nhân viên còn lại cũng mới chỉ được tiêm mũi 1", ông Giang nói. Vị này cũng mong TP HCM sớm cho nhóm này tiêm mũi 2 để yên tâm cung cấp thực phẩm chế biến sẵn an toàn cho người dân.
Dù mong chờ nền kinh tế sớm mở cửa lại nhưng hầu hết doanh nghiệp cho rằng, TP HCM vẫn cần xác định rõ nhóm được hoạt động.
"Mở cửa lại nhưng thành phố không nên mở đồng loạt, tránh việc phải đóng cửa lần nữa và lúc đó doanh nghiệp chắc chắn không còn đủ sức để gượng dậy", Phó tổng giám đốc một công ty điện tử tại TP HCM nói.
Ông Phạm Xuân Hồng gợi ý, TP HCM nên từng bước mở cửa đối với những lực lượng lao động có nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
Chia sẻ tại chương trình livestream Dân hỏi - Thành phố trả lời tối 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, việc mở lại nền kinh tế sẽ dựa trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó. Thành phố sẽ dựa vào tình hình thực tế để mở từng bước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định tình hình kinh tế, xã hội.
Từ nay đến 15/9, thành phố sẽ cho các "vùng xanh" thí điểm mở một số dịch vụ bán mang về. Sau ngày 15/9, nếu tình hình chuyển biến tốt, thành phố sẽ mở một số hoạt động ở địa bàn an toàn. Các dịch vụ dự kiến hoạt động là thương mại điện tử, logistics, sản xuất thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng... Những ngành nghề nào hoạt động an toàn, quản lý tốt sẽ được ưu tiên.
Để doanh nghiệp nhanh hồi phục sau thời gian dài thở "oxy", ông Hồng đề nghị, thành phố cần có động thái kiến nghị ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn, giãn nợ vay, giảm chi phí vốn xuống mức thấp nhất. Đặc biệt là các khoản vốn để chi trả cho công nhân viên, đầu tư R&D hay sản xuất....
Nhiều doanh nghiệp cũng mong thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn trong giai đoạn 3-6 tháng và giảm 50% trong 1, 2 năm tới. Với các chi phí liên quan đến logistics như phí cầu đường, dịch vụ hải quan, dịch vụ cảng cũng cần phải giảm, đặc biệt là trong bối cảnh bị đội giá nguyên vật liệu như hiện tại.