Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua vẫn chủ yếu dựa trên tăng số lượng, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu “lấy công làm lãi” và đã đến lúc cần sự thay đổi.
Đổi mới công nghệ, quản trị, nâng cao năng suất lao động để thêm giá trị gia tăng |
Đưa ra bức tranh xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (Bộ Công Thương) lấy ví dụ: “Chúng ta làm nhiều cà phê nhưng chỉ bán được 2USD/kg, trong khi xuất khẩu sang nước ngoài họ bán 200USD/kg, tức là chúng ta chỉ được 1% trong giá trị đó trong khi công sức bỏ ra lớn. Hạt điều, hồ tiêu và nhiều sản phẩm khác cũng vậy. Đây là hướng đi được đánh giá là không bền vững vì sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng”.
Một sản phẩm hoàn chỉnh được làm ra bởi sự đóng góp của nhiều quốc gia, nhưng vì sao Việt Nam lại tham gia ở “mắt xích” thấp? Giải đáp câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: “Trong 1 chuỗi sản xuất, luôn có “mắt xích” then chốt. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa “với” được đến “mắt xích” đó, mà mới chỉ là “mắt xích” phụ thuộc. Việt Nam chưa vui khi chưa phải là “mắt xích” then chốt. Doanh nghiệp Việt Nam cần học cách của doanh nghiệp đi trước để leo lên “mắt xích” đó”.
Là một “mắt xích” của Samsung, đại diện Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội chia sẻ: “Doanh nghiệp phải xác định ngay từ đầu sẽ tham gia chuỗi sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài, khi họ bắt đầu phát triển sản phẩm. Ví dụ, khi Samsung có ý định đưa ra sản phẩm điện thoại Galaxy S8, từ cách đây 1 năm, chúng tôi đã tham gia chuỗi cung ứng cho sản phẩm này. Dù là chỉ đóng góp nhỏ sản xuất bao bì cho Samsung nhưng doanh nghiệp cũng tạo được vị thế”.
Cho rằng doanh nghiệp không nên bi quan, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thêm giá trị gia tăng, doanh nghiệp Việt Nam cần có khát vọng “chơi” với người lớn nhất, giỏi nhất, khó tính nhất. Muốn vậy phải đảm bảo được các yếu tố có thể đáp ứng với họ về chất lượng, giá trị. Chúng ta phải biết “chơi” với những “người khổng lồ”, học hỏi họ và uy tín của họ sẽ trở thành uy tín của mình”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay phần lớn hàng xuất khẩu Việt Nam theo chuỗi giá trị do người mua chi phối, không phải nhà sản xuất chi phối. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao ở khâu công nghệ khó hơn nhiều so với khâu dịch vụ, sản xuất… vì đòi hỏi tốn kém về tiền bạc, trí tuệ.
Do vậy, mỗi doanh nghiệp chỉ cần làm 1 đến 2 khâu nhưng phải nắm chắc mình có thể làm được gì và sẽ thay đổi được gì, tức là tăng giá trị gia tăng theo chức năng, tức là: “Doanh nghiệp cứ làm những gì mình đang làm nhưng nâng cao năng suất lên. Doanh nghiệp chỉ cần thay đổi cách quản lý thì năng suất đã tăng 10-15%”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.
Theo VFPress