Trong bối cảnh làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng, việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ này chính là giải pháp quan trọng để để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số. Ảnh minh họa: TTXVN |
Một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số”. Với làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, thì việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ này chính là giải pháp quan trọng để để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Công nghệ số tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, khi chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (doanh nghiệp vừa chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ), sử dụng tới trên 50% lao động xã hội, đóng góp trên 40% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu vào ngân sách nhà nước đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…
Liên quan đến công nghệ số, phát biểu tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” (tháng 6-2016), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự tích hợp hai làn sóng đổi mới là cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ tăng theo cấp số nhân.
Theo điều tra của VCCI, công nghệ số có vai trò và tác động lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện có tới trên 95% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng internet. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn. Đối với các cơ quan nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, nếu áp dụng công nghệ thông tin tốt, cũng cung cấp thông tin tới doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn, với thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được rút ngắn.
Có thể thấy, thời đại công nghệ số đã làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức kinh doanh mới. Dự kiến, trong vài năm tới, con số người Việt thường xuyên tiếp cận internet có thể tăng lên 70% dân số (hiện tại là 45%), trong bối cảnh đó, công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với khách hàng và thị trường trên toàn thế giới.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đối với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại còn doanh nghiệp nhỏ thì đang lớn lên. Công nghệ số đang tạo nên nền tảng về sự bình đẳng cho doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận tri thức và tiếp cận khách hàng. Kỷ nguyên công nghệ số này đang dẫn đến tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mà dù có vốn nhỏ nhưng trí tuệ lớn, một thế hệ kinh doanh mới.
Thúc đẩy kinh tế số phát triển
Công nghệ số mở ra cơ hội lớn cho khối DNVVN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, dù có tới 95% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng internet nhưng con số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin lên tới gần 60%; cho đến nay việc số hóa của các DNVVN còn chậm bởi những thách thức như: thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến, thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thiếu chuyên môn, kỹ thuật nội bộ; vẫn còn thói quen dùng tiền mặt…
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Mỹ, dù là một trong những quốc gia được đánh giá là có tiềm năng nhất trên thế giới về phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức nhưng về mức độ sẵn sàng để đón làn sóng công nghệ số của các doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ đứng thứ 85/143 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Muốn trở thành một ngôi sao thực sự trong nền kinh tế số, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng được một nền tảng thể chế thực sự phục vụ cho nền kinh tế số phát triển. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình tri thức lớn để cạnh tranh và hội nhập thành công.
Thực tế từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết về Chính phủ điện tử, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp cũng phải điện tử hóa để kết nối Chính phủ. Do đó, việc xây dựng doanh nghiệp điện tử trở thành một nhu cầu, động lực, phương thức phát triển của doanh nghiệp Việt nói chung, DNNVV nói riêng.
Theo TTXVN