Gần đây, một số quan chức các bộ, ngành, cán bộ xúc tiến thương mại Việt Nam ra nước ngoài hay nhận được cảnh báo là doanh nghiệp Việt Nam hay “lừa” doanh nghiệp nước ngoài trong làm ăn.
Những khúc mắc, sai lệch hợp đồng xuất khẩu khiến các doanh nghiệp tố nhau lừa đảo.
Ngược lại, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt tố bị lừa. Thực hư câu những chuyện này thế nào?.
Vô tình mang tiếng lừa đảo
“Một doanh nghiệp nước ngoài hỏi mua gỗ dán từ Việt Nam. Doanh nghiệp A từ Việt Nam gửi báo giá, hợp đồng. Ban đầu, doanh nghiệp A,có thể vì cẩu thả, nhặt một miếng gỗ dán trong kho gửi đi. Bị đối tác chê, lại chọn một mẫu thật đẹp gửi đi thì được chấp nhận. Hai bên ký hợp đồng”.
“Thế nhưng, khi đối tác nước ngoài nhận hàng lại không giống như mẫu trong khi, tiền đã thanh toán đặt cọc 30% rồi. Nếu đối tác nước ngoài không nhận thì 30% đó sẽ được dùng làm chi phí cho tàu quay về Việt Nam. Thế là họ cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam lừa họ”, ông Việt cho biết.
Câu chuyện được ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO - một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ tư vấn xuất, nhập khẩu tại Hà Nội kể lại và cho biết: “Gần đây qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài hay nhập hàng hóa của Việt Nam thì họ cũng có phản ánh như vậy. Cá nhân tôi cũng biết nhiều vụ việc, nhưng thực sự không hẳn là do doanh nghiệp Việt lừa đảo”.
Nhưng thực sự câu chuyện không hẳn là lừa đảo. Bởi vì, theo ông Việt, doanh nghiệp Việt Nam khi sản xuất, họ đã quen làm mặt hàng trung bình. Ví dụ, gỗ dán có 1 loại dùng để sản xuất nội thất và một loại packing chuyên dùng đóng thùng, vỏ. doanh nghiệp Việt mới quen làm packing, ít khi làm đơn hàng xuất khẩu có yêu cầu cao. Điều này khiến cho chất lượng không đảm bảo.
Từ thực tế này, một kinh nghiệm được các nhà xúc tiến xuất khẩu chỉ ra: Nhiều doanh nghiệp cẩu thả. Khi gửi hàng mẫu, chọn hàng đẹp để được hợp đồng. Đáng lẽ khi gửi đi, doanh nghiệp phải giữ lại 1 nửa cho mình để sau này còn đối chiếu nhưng khi gửi đi họ lại gửi hết, không giữ lại cho mình. Không ít doanh nghiệp có tâm lý, không nhất thiết phải 100% như hàng mẫu nên mới có chuyện hàng thật không như hàng mẫu và đối tác nước ngoài tố bị doanh nghiệp Việt ‘lừa’.
Một sự cố xúc tiến mà VIETGO khó quên, doanh nhân Benjamin từ Ấn Độ đặt mua gỗ căm xe của 1 doanh nghiệp tại Bình Phước. Ông này đã ký hợp đồng và ghi kích thước đầy đủ và chuyển tiền. Tuy nhiên, khi nhận hàng, kích thước gỗ không như ban đầu và thiếu 55 khối, tương đương 1 container 40 feet.
Phía Ấn Độ tố doanh nghiệp Việt Nam lừa đảo. Tuy nhiên, sự thật lại có những uẩn khúc. Thực tế, khi các doanh nghiệp ký hợp đồng mua 10 container gỗ thì doanh nghiệp bán gỗ áng chừng khối lượng. Ví dụ, 1 container chở được 50 khối. Nhưng thực tế đóng container sẽ có nhiều vấn đề như cong, vênh khiến cho việc xếp hàng không đủ. Hoặc 10 container chở 500 khối gỗ nhưng vì gỗ cong nên phải tốn số container nhiều hơn. Cước vận tải tính trên số container thành ra giá thành tăng lên.
“Số tiền tăng thêm này ai sẽ phải chịu? Thế là có tranh chấp và doanh nghiệp nước ngoài cho rằng họ bị lừa. Những việc thế này, gây ra rất nhiều tai tiếng cho Việt Nam, ảnh hưởng đến thương hiệu và bộ mặt quốc gia”, ông Việt nói.
Hiểu lầm mất bạn
Một cán bộ của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, chuyện doanh nghiệp nước ngoài kêu hay bị doanh nghiệp Việt Nam lừa đã không phải là hiếm.
“Vừa rồi, có một công ty Việt Nam xuất khẩu than củi cho một công ty ở Dubai theo hình thức C&F. Lúc đầu, doanh nghiệp Dubai hỏi: 1 contanner chở được bao nhiêu tấn? Họ nói, 1 container chở được 20 tấn. Mỗi tấn cõng 1/20 cước vận tải. Tuy nhiên, thực tế, một con chỉ đóng được 16,5 tấn – 18,5 tấn. Nên doanh nghiệp Dubai nhận hàng bị thiếu và họ phản ứng dữ dội coi như mình bị lừa.
Doanh nghiệp cần nắm chắc pháp luật, đầy đủ hợp đồng, chứng từ... tránh rủi ro.
Thực ra, doanh nghiệp Việt Nam lần đầu xuất khẩu, thiếu kinh nghệm nên họ tính bằng tỉ số khối lúc đóng hàng lên xe tải rồi suy ra số tấn trên mỗi container. Tuy nhiên, có thể trước đây họ đóng hàng lồi lên khung xe, phủ bạt lên. Sau này, theo quy định, hàng chỉ được đóng đúng vào thùng xe, số lượng giảm xuống nên doanh nghiệp ước lượng không còn chính xác. Cho nên, khi nhân lên số lượng tấn trong container sai số lớn. Khi xuất hàng đi, họ mua 2 – 3 công, thiếu khoảng 7 tấn. Điều này cũng làm cho chi phí vận tải tăng lên. Cước sang Dubai, 1.700usd/1 container 40 feet HC, tương đương 80 USD/tấn. Phát sinh chênh lệch, không ai chịu chênh lệch cước. Điều này khiến doanh nghiệp không làm ăn với nhau được nữa.
Ngược lại doanh nghiệp Việt Nam cũng luôn chia sẻ về nỗi lo tình trạng doanh nghiệp nước ngoài bị tố là lừa doanh nghiệp Việt Nam.
“Vừa rồi, có 1 lô jacket. Các doanh nghiệp của Việt Nam hay nhận sản xuất theo mẫu của nước ngoài theo hình thức thanh toán TT, họ nhận đặt cọc trước 30% của đối tác nước ngoài. Nhưng khi doanh nghiệp Việt sản xuất xong – doanh nghiệp nước ngoài kiểm hàng thì họ sẽ cố tìm ra lỗi, sau đó yêu cầu sửa, hoặc hạ giá xuống. Lúc này doanh nghiệp Việt Nam vào thế nếu không hạ giá sẽ mất 70% số tiền chưa được thanh toán trong khi hàng sản xuất theo tiêu chuẩn và kích thước ngoại không bán được lại cho ai. doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn cách hạ giá ít nhất từ 10 – 20%. Đau đớn như bị lừa.
Với thực tế này, ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng: “Bản chất doanh nghiệp cũng không rắp tâm lừa nhau mà vì hoàn cảnh, vì sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm xuất khẩu trong những lần đầu tiên”.
“Đây là những bài học rất đắt giá. Các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập phải hiểu luật pháp quốc tế, thói quen giao dịch của bạn hàng. Thứ hai, phải cẩn thận hơn trong giao dịch. Thứ ba, tìm đến các chuyên gia như những người làm xuất nhập khẩu lâu năm hoặc các công ty tư vấn để tránh những câu chuyện rắc rối như vậy và dễ mang tiếng là lừa đảo, ảnh hưởng đến uy tín chung của các doanh nghiệp trong nước. Và một điều các nhà xuất khẩu Việt Nam luôn phải nhớ: phải giữ bộ chứng từ trong tay, tránh rủi ro trong việc thanh toán”, ông Việt nói
(Theo Vietnamnet)