Một số doanh nghiệp Việt Nam dùng giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa tự do (CE) trong Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) do các tổ chức không được EU công nhận cấp để xuất khẩu khẩu trang, vật tư y tế vào thị trường này. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho hay đã nhận được thông tin phản ánh này từ các doanh nghiệp Đan Mạch.
Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải cho biết: “Khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng có liên quan đến sức khỏe, sự an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Mỹ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không, hàng hóa sẽ gặp khó khăn khi nhập khẩu và bị trả lại”.
Khẩu trang Việt Nam phải được cấp chứng nhận CE mới được xuất khẩu chính ngạch vào các nền kinh tế thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trong ảnh là hoạt động sản xuất khẩu trang tại một nhà máy trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: DNCC
Nói một cách khác là, với các quốc gia EU, phải có “hộ chiếu thương mại” CE mới được xuất khẩu chính ngạch. Nhưng một số các doanh nghiệp mà Bộ Công Thương chưa nêu tên, đã dùng các mẫu CE không được EU công nhận để đưa khẩu trang vào Đan Mạch.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã cung cấp một danh sách các tổ chức được Liên minh châu Âu công nhận trong việc cấp CE.
Trong thời điểm dịch bệnh, EU đã có thông báo nới lỏng các tiêu chuẩn cho các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện để gắn dấu CE (được thông qua bởi ba tổ chức: CEN, CENELEC và ETSI).
Các nhà sản xuất có thể không sử dụng các tiêu chuẩn EU hài hòa thì sau đó phải chứng minh sản phẩm đáp ứng các yêu cầu cơ bản trước khi lưu hành trên thị trường EU. “Tuy nhiên, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tuyên bố của mình”, thương vụ cho biết.
Trong một diễn biến có liên quan, chiều 5-5, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh ký văn bản hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị cũ về để sản xuất khẩu trang.
Theo văn bản này, thời gian gần đây có hiện tượng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dây chuyền để sản xuất khẩu trang trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang tăng cao do dịch Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu các dây chuyền cũ, lạc hậu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất. Do vậy, Cục Quản lý thị trường sẽ cùng các cơ quan chức năng rà soát nghiêm để xử lý theo quy định.
Sản xuất khẩu trang là một giải pháp cho các doanh nghiệp dệt may trong nước thời điểm đại dịch Covid 19, khi nhu cầu khẩu trang trong và ngoài nước tăng cao đột biến. Tuy nhiên, trong khi có nhiều nhà sản xuất khẩu trang uy tín như May 10, Dệt kim Đông Xuân, Hanvico, Việt Thắng... thì cũng không ít doanh nghiệp lợi dụng tình hình để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn bán ra thị trường, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành dệt may Việt Nam.
Năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam có thể lên đến 40 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày, tương đương với 1,2 tỉ chiếc/tháng.