Với quy mô 600 triệu dân và mức tăng trưởng ổn định, ASEAN đang tạo sức hút lớn để doanh nghiệp Việt tham gia sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại hàng đầu và là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.
Kỳ vọng tham gia liên kết chuỗi doanh nghiệp ASEAN
Đại diện các thành viên Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN), bà Nguyễn Hoàng Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt cho rằng, nhìn lại hoạt động VASEAN và các chương trình giao lưu hợp tác kinh tế Việt Nam với các quốc gia ASEAN năm 2019, nhiều doanh nghiệp trong nước đã “đem chuông đi đánh xứ người” thành công khi phân phối sản phẩm tại thị trường ASEAN và các nước đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong 25 năm qua, Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế ASEAN một cách tích cực, chủ động và cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng nền móng quan trọng để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành ngày 31/12/2015. Đến nay, ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại hàng đầu và là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.
Là thành viên ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh, tạo cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điều mong đợi hơn cả là, AEC sẽ tạo ra liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng chung của khu vực.
Bên cạnh đó, định hướng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho thương mại mà ASEAN đang đặt ra cho giai đoạn sau năm 2025 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp khu vực và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là môi trường cạnh tranh gay gắt mà hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên ASEAN có đặc điểm sản xuất khá giống nhau và những thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, kể cả hạ tầng gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; nguồn nhân lực. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn, hạn chế về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc ứng xử với hội nhập phải được cải thiện.
Kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay Nhà nước với bàn tay thị trường
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khuyến nghị, Nhà nước, các tổ chức, hiệp hội kinh doanh cần có sự chung tay góp sức phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay Nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ hài hòa của các mục tiêu, các loại công cụ chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Để góp phần thực hiện Năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam đảm nhiệm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các tổ chức như VASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hội nhập khu vực như đẩy mạnh giao lưu nhân dân để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tại ASEAN.
Hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan đánh giá, với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP danh nghĩa trên 2.310 tỷ USD, ASEAN đang nhanh chóng trở thành thế lực kinh tế đáng gờm ở châu Á và động lực của tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng chững lại và việc Mỹ dịch chuyển trọng tâm sang hướng Đông, ASEAN càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo PwC, ASEAN dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2022. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam và các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar có dư địa lớn để thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN sớm nhận ra tầm quan trọng chiến lược của việc phát triển hạ tầng giao thông trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại. Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng tại ASEAN dự báo tăng lên 2.800 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030, với mức đầu tư bình quân hàng năm khoảng 184 tỷ USD.
Nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông hiệu quả đang đặt áp lực lớn cho chính phủ các nước ASEAN phải làm mới các cam kết đầu tư hạ tầng giao thông nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Lê Quân / baodautu.vn