Nhiều “sở trường, sở đoản” của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ Việt Nam đã được chỉ rõ tại Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định liên quan đến xuất khẩu gỗ
Báo cáo của Trung tậm hội nhập WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo cho thấy: Ngành gỗ Việt Nam đang “ăn nên, làm ra”. Đội ngũ DN tham gia đông đảo gồm 3.000 DN chế biến và 1.000 DN thương mại với trên 30 vạn lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 7 tỷ USD. Bên cạnh đó, DN tư nhân chiếm trên 80%, trong khi DN FDI chỉ có 14% và 4% là DN nhà nước.
Tuy nhiên, không khó để nhận ra lao động ngành gỗ có tay nghề và năng suất lao động thấp, đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (xấp xỉ 1,7 tỷ USD). Bên cạnh đó, công nghệ chế biến còn hạn chế trong khi giá trị sản phẩm gia tăng thấp. Câu nói “giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam lên đến 7 tỷ đô nhưng chưa có một sản phẩm nào được dán mác Made in Việt Nam” của ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam- dường như đã gói gọn “sở trường, sở đoản” của DN chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, thâm nhập thị trường luôn có các rủi ro và thị trường gỗ cũng không phải là ngoại lệ. Ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm hội nhập WTO của VCCI- đã cung cấp số liệu điều tra về sự hiểu biết của DN tới một số quy định liên quan tới xuất khẩu gỗ gồm: Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ; quy định gỗ của châu Âu; Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT); luật cấm gỗ bất hợp pháp của Úc.
Theo đó, qua điều tra 154 DN có hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ cho thấy, 12,8% DN biết cả 4 quy định; 7,7% biết 3 trong 4 quy định; 23% biết 2 quy định; 28,3% biết 1 quy định và 28,2% không biết quy định nào.
Cũng theo số liệu do ông Tô Xuân Phúc cung cấp, trong số 39 DN đang trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, số DN áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế là 13, số DN không có chứng chỉ cho hệ thống quản lý và chất lượng là 26 (chiếm khoảng 67%). Tuy nhiên, những người trong cuộc lại cho rằng, các số liệu nói trên lại không phải là “chân dung” của lĩnh vực xuất khẩu gỗ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền nhìn nhận, mặc dù Đạo luật Lacey chặt chẽ, tỉ mỉ, chi tiết nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, DN Việt Nam thực thi rất tốt, không hề có tình trạng lô hàng vi phạm, bị trả về. Điều này cho thấy, DN gỗ xuất khẩu hiểu rất rõ Đạo luật Lacey. Hơn thế, DN Việt Nam đã tham gia xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đều được chấp nhận.
Dù vậy, vẫn có hai vấn đề đòi hỏi DN gỗ Việt Nam nếu không chủ động giải quyết sớm thì khó có thể tạo ra đột phá khi mà nhiều chỉ số trong chiến lực phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã lạc hậu.
Thứ nhất, cần nắm bắt được quy định của thị trường xuất khẩu liên quan đến chất lượng và tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào.
Thứ hai, phải tương tác trực tiếp được với thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tương tác với người mua như hiện nay.
Trong số 39 DN trực tiếp xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, chỉ có 13 DN áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, 26 DN không có chứng chỉ cho hệ thống quản lý và chất lượng (chiếm khoảng 67%). |