Vài năm gần đây, thị trường xuất khẩu truyền thống bị suy giảm do rào cản thương mại và khó khăn kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, việc mở thị trường mới không hề dễ dàng!
Các DN xuất khẩu gạo đang nỗ lực mở nhiều thị trường xuất khẩu mới |
Nhiều trở ngại
Châu Phi là thị trường dễ tính, được nhiều DN Việt lựa chọn để thâm nhập. Dù không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm nhưng thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Phạm Hoàng Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Hưng (An Giang) - chia sẻ: Năm 2013, công ty xuất khẩu gạo sang thị trường Ghana với khối lượng khá lớn. Tuy nhiên, khi về đến cảng Ghana, công ty bị mất 80 container gạo. Sau khi xác định lỗi mất hàng thuộc về hãng tàu Hanjin (thông đồng với người mua sử dụng bộ vận đơn giả để thông quan hàng hóa), DN quyết định kiện hãng tàu, đòi bồi thường 1,3 triệu USD. Thế nhưng, sau gần 4 năm, vụ việc vẫn chưa giải quyết xong(!).
Không bị mất hàng nhưng Công ty Phước Thành Bảy Mập lại gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc công ty - cho hay: Dù xuất khẩu gạo thường xuyên vào thị trường này nhưng doanh nghiệp vẫn liên tục gặp rắc rối vì phải lưu kho chờ Hải quan Hoa Kỳ kiểm định chất lượng. Nguyên nhân do kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa thực hiện tại Việt Nam hoàn toàn không có giá trị.
Đáng lo hơn, nhiều DN bị Hải quan Hoa Kỳ trả hàng về nhưng không rõ lý do tại sao để rút kinh nghiệm. Khi DN tự tìm hiểu thì mới được biết là hàng xuất khẩu có chứa chất cấm nhập khẩu với hàm lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, thông tin về chất cấm, hàm lượng bao nhiêu như thế nào DN không biết hỏi ai???
Cùng cảnh hàng bị trả lại không rõ nguyên nhân, bà Khưu Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Prosonan Fruit - cho biết: Nhận thấy nhu cầu thị trường châu Âu rất chuộng gừng tươi và một số loại trái cây khác, năm 2015, doanh nghiệp đã đưa một số sản phẩm giới thiệu với nhà nhập khẩu. Dù đã tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm song không hiểu vì nguyên nhân gì mà hàng của công ty bị đối tác trả lại!
Thành - bại tại doanh nghiệp
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nam Phi - ông Nguyễn Hồng Tiến thừa nhận: Có tình trạng DN nước sở tại thông đồng với các hãng tàu “rút ruột” hàng hóa của DN xuất khẩu. Cơ quan hữu quan đã nỗ lực phối hợp với các bên tìm ra hướng giải quyết tốt nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Ông Phạm Trung Nghĩa - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai – thông tin: Năm 2015 Thương vụ Việt Nam tại Dubai đã hỗ trợ 8 DN Việt đòi lại 4 triệu USD tưởng đã mất trắng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Minh Việt - Tùy viên thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Úc - khuyến nghị: Ngoài sự hỗ trợ từ thương vụ và tham tán thương mại, DN nên sử dụng thêm kênh thông tin từ Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Đại sứ quán, kênh thông tin của các nước để xác minh đối tác làm việc có hiệu quả, minh bạch và uy tín hay không. Ngoài ra, bản thân DN cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có thể thu thập thông tin hữu ích từ nhiều nguồn, hoặc có thể tìm đến đơn vị trung gian cung cấp thông tin uy tín…
Để việc trao đổi thông tin được nhanh chóng, các DN, hiệp hội ngành hàng trong nước cần nghiên cứu kỹ thị trường, gửi câu hỏi tới Thương vụ một cách chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, đi vào các vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, DN phải tự trang bị kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ, thận trọng trong soạn thảo hợp đồng với các đối tác nước ngoài và tốt nhất nên có sự tư vấn về luật quốc tế...
Ngoài sự hỗ trợ từ thương vụ và tham tán thương mại, DN nên sử dụng thêm kênh thông tin từ Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Đại sứ quán, kênh thông tin của các nước để xác minh đối tác làm việc có hiệu quả, minh bạch và uy tín hay không. |