Vietjet Air vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam chính là kết quả tất yếu từ tài lãnh đạo của người “nữ thuyền trưởng” này.
Được mệnh danh là “người đàn bà thép”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của Vietjet Air luôn tạo ấn tượng là một nữ doanh nhân có bản lĩnh khác biệt và thần thái tự tin. Có thể nói, việc Vietjet Air vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 ở Việt Nam chính là kết quả tất yếu từ tài lãnh đạo của người “nữ thuyền trưởng” này.
Bản lĩnh khác biệt
Tại cuộc thi “Start up Việt – Sải bước thành công”, bà Thảo bộc bạch về lý tưởng kinh doanh của mình. Trước khi Vietjet Air ra đời, đi lại bằng máy bay vẫn là một khái niệm khá xa xỉ tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, thị trường hàng không Việt Nam không nhộn nhịp như bây giờ và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng không vẫn còn nhiều tiềm năng. Vì vậy, sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, bà Thảo với tư duy khác biệt của mình đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực hàng không với mong muốn biến việc đi lại bằng máy bay được đơn giản như xe buýt, taxi và bất cứ người dân nào cũng có thể trang trải chi phí.
Không chỉ tiếp cận ngành từ một góc độ mới, bà Thảo còn triển khai ý tưởng kinh doanh theo hướng chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Mô hình hàng không bà Thảo xây dựng và theo đuổi là một mô hình kết hợp giữa giá rẻ và truyền thống. Cụ thể, Vietjet được quản trị theo mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về con người.
Song khác với mô hình giá rẻ, Vietjet có những dịch vụ riêng của mình, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón, thêm lựa chọn cho dịch vụ cao cấp trên chuyến bay để hướng đến đối tượng khách hàng rộng hơn, gồm khách hàng có khả năng chi trả cao.
Trong kinh doanh, bà Thảo còn nổi tiếng là người có tài quản trị ưu việt. Với những doanh nghiệp khác, nhân sự là yếu tố cốt lõi nhưng tại Vietjet Air, như thế vẫn là chưa đủ. Bà Thảo tâm niệm rằng đã hoạt động trong lĩnh vực hàng không thì bên cạnh con người thì cơ sở vật chất cũng đóng vai trò cực kì quan trọng.
Doanh nhân tài ba Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Vietjet Aviation JSC.
Trong nhiều năm, Vietjt Air liên tục thu hút đông đảo các nhân viên năng động, phi công giỏi về làm việc cho mình. Đồng thời, mở hàng loạt đường bay trong nước và nước ngoài, góp phần giúp thị trường hàng không Việt cạnh tranh hơn với chi phí đi lại ngày càng rẻ.
Đến 2015, bà Thảo tiếp tục ra quyết định ký kết hợp đồng với Airbus mua thêm 6 chiếc máy bay Airbus A320, trị giá gần 600 triệu USD và 30 máy bay A321 (21 A321neo và 9 A321ceo) mới với tổng giá trị công bố lên tới 3,6 tỷ USD. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi giữa năm của Tổng thống Obama, nữ phi công trưởng này tiếp tục đứng ra ký mua 100 máy bay Boeing. Hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2019-2023.
Với những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ như vậy, bà Thảo nhanh chóng đưa Vietjet Air sải bước thành công, trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Báo cáo kết quả kinh doanh 2014 của Vietjet Air cho thấy doanh thu của hãng đạt 8.100 tỷ đồng. Sang đầu 2015, lãnh đạo Vietjet Air cho biết là hãng đã có lãi, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.
Bản lĩnh khác biệt của “người đàn bà thép” này còn thể hiện qua tư tưởng của một người doanh nhân chân chính. Bà Thảo cho rằng người doanh nhân thành công không chỉ dừng lại ở việc tạo ra lợi nhuận “khủng” mà còn phải tâm huyết và khao khát cống hiến cho xã hội. Ở cuộc sống đời thường, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia các hoạt động từ thiện rất nhiệt tình. Bà đã từng đi bộ hàng km trong giá rét để tới động viên, thăm hỏi người dân vùng núi cao Kỳ Sơn, Hoà Bình, bị ảnh hưởng trong trận rét lịch sử cuối năm 2015. Đồng thời, bà cũng là người thầm lặng, ẩn danh bỏ tiền cá nhân ủng hộ những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo cần được cứu giúp.
Khí chất tự tin
Nói về bà Thảo, người ta vẫn thường hình dung về một người phụ nữ luôn toát lên thần thái tự tin và táo bạo trong nhiều quyết định.
Nữ "phi công trưởng" được mệnh danh là “người đàn bà thép” trong ngành hàng không Việt Nam từng tuyên bố mạnh mẽ "Tôi muốn nâng tầm hãng hàng không Vietjet lên vị thế mới, trở thành một hãng hàng không như 'Emirates ở quy mô châu Á', tiến tới chinh phục thị trường toàn cầu". Và với tình hình Vietjet Air đang bám sát Vietnam Airlines khi 4 tháng đầu năm nay thị phần của Vietnam Airlines tiếp tục giảm mạnh xuống còn 42,8%, trong khi Vietjet tăng ngoạn mục lên 40,2%, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin những gì bà Thảo khẳng định.
Có không ít ý kiến cho rằng Vietjet đang đối mặt với thách thức hạ tầng hàng không được cho là phát triển chậm, có khả năng quá tải. Tuy nhiên bà Thảo lại xem đây như là cơ hội. Bà cho biết Vietjet sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay nếu có cơ hội.
Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường quốc tế cũng sẽ thử thách năng lực điều hành của Vietjet. Hiện nay VietJet đang khai thác 18 đường bay quốc tế, đang chiếm khoảng 30% thị phần của các hãng giá rẻ trên những đường vé này. Nhưng nữ chủ tịch này tỏ ra hoàn toàn tự tin về khả năng phát triển trên thị trường quốc tế của Vietjet và đặt kỳ vọng trong tương lai sẽ bay trong tầm bán kính thị trường của 50% dân số thế giới.