Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm nhưng anh không mặn mà với nghề truyền thống mà lại khởi nghiệp với nghề điện tử. Sau nhiều năm bôn ba với nghề, bằng chữ tín và sự tận tâm, Phạm Văn Tam – TGĐ Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam đã thành công và xây dựng được một thương hiệu ti vi cho riêng mình.
Ông Phạm Văn Tam – TGĐ Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
– Thưa ông, vì sao ông không kế thừa nghề truyền thống của gia đình mà lại khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ?
Năm 20 tuổi, tôi quyết định vào Sài Gòn để tìm kiếm con đường đi cho riêng mình. Trải qua rất nhiều công việc làm thuê tại chợ Nhật Tảo, nhờ tạo được chữ tín nên tôi được bà con tiểu thương tin tưởng cho ứng trước tiền để lấy hàng về bán lại. Việc kinh doanh đang thuận lợi, thì gặp phải sự cố bị đối tác lừa hết 400 triệu đồng tiền tích góp được sau bao năm, cộng với tiền ứng trước của bà con tiểu thương. Bỗng chốc, tôi lại trở thành người trắng tay nhưng vì tình yêu với nghề, được mọi người động viên, tôi lại tiếp tục kinh doanh.
Năm 2006, Việt Nam không cho nhập hàng cũ của Nhật, đứng trước khó khăn không có nguồn hàng để kinh doanh, tôi quyết định sang nước ngoài nhập linh kiện điện tử vể bỏ mối tại chợ Nhật Tảo và cho các hãng sản xuất ti vi trong nước.
Được một thời gian, nhận thấy việc kinh doanh linh kiện điện tử không thể tồn tại mãi được. Sẵn có kinh nghiệm, tôi tự tay lắp ráp thành sản phẩm ti vi hoàn chỉnh để bán ra thị trường. Nhưng khi bắt tay vào làm ti vi tôi mới phát hiện ra mình không có kinh nghiệm làm thương hiệu cho sản phẩm. Do đó, sản phẩm làm ra không được người tiêu dùng biết đến và không bán được. Thất bại, tôi chuyển sang lắp ráp các sản phẩm điện gia dụng như nồi cơm điện, bếp điện, bếp từ… nhưng cũng không thành công.
Đang loay hoay tìm hướng đi thì cơ duyên lại một lần nữa đến với tôi khi gặp lại một người bạn làm trong lĩnh vực truyền thông, được người bạn tư vấn cho cách xây dựng thương hiệu và làm PR cho sản phẩm. Từ đó, tôi nhận thấy đây là cách làm thương hiệu hiệu quả nhất và cũng từ đó tôi tìm ra được phân khúc thị trường riêng cho sản phẩm của mình. Đến năm 2013, thương hiệu tivi Asanzo ra đời.
Đến khát vọng vươn tầm một thương hiệu Việt
– Lý do đặt tên thương hiệu của mình là Asanzo?
Nói về cái tên Asanzo, lúc đầu mọi người cứ nghĩ đây là một thương hiệu nhái hàng Nhật nhưng thật ra khi lấy tên Asanzo cũng là một sự tình cờ vì mình tên là A Tam, người nước ngoài hay gọi là Asan. Còn từ “Zo”, người Sài Gòn thường có câu “làm ăn Zo mánh, trúng mánh”, nó cũng có nghĩa tương đương là “thành công” nên mình ghép lại thành “Asanzo” và coi đó là thương hiệu cho tới ngày nay.
Đến đầu năm 2014, thương hiệu Asanzo được bảo hộ và bắt đầu xây dựng lại toàn bộ hệ thống, đầu tư mua lại nhà máy tại KCN Vĩnh Lộc, diện tích khoảng 8000m², với giá lúc đó là gần 20 triệu USD để lắp ráp sản phẩm. Thời gian đầu, các sản phẩm Asanzo chỉ được tiêu thụ ở một vài tỉnh thành phía Nam, mục đích là từng bước thăm dò thị trường và cũng là để xử lý bảo hành nhanh nếu như sản phẩm bị lỗi.
– Chọn điện tử để khởi nghiệp, trong lúc các DN sản xuất điện tử trong nước đang lao đao vì phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu quốc tế. Vậy ông có cho đó là một quyết định mạo hiểm? Điều gì đã tạo lên mức giá hấp dẫn của Asanzo?
Không những mình cảm thấy mạo hiểm, mà tất cả anh em, bạn bè, người thân đều cho đó là một quyết định mạo hiểm. Mọi người đều không tin rằng mình có thể làm được. Họ chỉ nghĩ là mình nói chơi chứ không dám làm thật vì thời điểm đó có rất nhiều DN điện tử trong nước đang “chết dần”, ngay cả một tập đoàn điện tử lớn của Trung Quốc cũng đang rất khó khăn, rồi đến một số thương hiệu của Nhật cũng dần bị mất thị trường và phải rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến nhà máy và hiểu được cách làm, cách đi của mình thì mọi người mới tin và còn cho rằng mình là một hiện tượng.
Hiện tại, phân khúc thị trường mà Asanzo đang lựa chọn là phân khúc bình dân, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm chưa cao và cần những sản phẩm có giá thành rẻ. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, Asanzo tiến hành cải tổ, điều chỉnh sản phẩm, cắt bớt những chi tiết không cần thiết để tiết giảm tối đa giá thành sản phẩm, cắt giảm những tính năng phức tạp của sản phẩm nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm… Vì vậy, các sản phẩm tivi Asanzo có giá thành rẻ hơn từ 20- 30% so với các hãng khác trên thị trường.
TGĐ Phạm Văn Tam luôn dành thời gian xuống xưởng để chỉ dẫn và động viên công nhân làm việc.
– Đó có phải là yếu tố cốt lõi đã làm lên thành công của Asanzo không, thưa ông?
Đúng vậy, quan điểm của Asanzo là đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, chứ không phải cứ xây dựng bộ máy công ty cho hoành tráng. Phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, những gì người tiêu dùng cần thì mình đầu tư phát triển, còn những gì không cần thiết thì cắt bỏ để giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng và cũng là cách để mình tối ưu hóa lợi nhuận. Asanzo tuyển dụng và đào tạo từ những người công nhân chưa có tay nghề trở thành những người công nhân lành nghề.
Với đội ngũ kỹ thuật cũng như cấp quản lý cũng không có ai học qua đại học mà họ là những người thợ lành nghề được tuyển về từ chợ Nhật Tảo. Họ có kinh nghiệm thực sự chứ không phải học lý thuyết qua sách vở.
Tuy nhiên, hàng năm phía đối tác nước ngoài đều cử chuyên gia sang để đào tạo và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ công nhân của Asanzo. Tôi cho rằng: người Việt nói chung và đội ngũ công nhân tại nhà máy nói riêng rất thông minh, chỉ cần tận tình chỉ bảo họ thì việc gì họ cũng có thể làm được.
– Theo ông, điều khác biệt của Asanzo là gì?
Điều khác biệt của Asanzo chính là văn hóa công ty và văn hóa bán hàng khác nhau. Mặt khác, các sản phẩm của Asanzo được tối ưu hóa những tính năng không cần thiết để làm lên những sản phẩm có giá thành hợp lý. Đó là sự khác biệt của Asanzo so với các hãng điện tử khác. Nếu như các hãng khác họ thêm nhiều tính năng, thêm nhiều chi tiết để nhằm mục đích tăng giá thành sản phẩm lên cao, thì Asanzo lại đi ngược lại su thế đó.
Đối với một chiếc ti vi nó không giống như một chiếc Smartphone, một chiếc ti vi treo tường thì không cần thiết phải có những tính năng vượt trội, chỉ cần những chức năng nghe nhìn là đã đủ rồi.
Đối với các nhà phân phối, chính sách của Asanzo là không áp đặt về doanh số cho họ, với quan điểm họ chính là đối tác của mình và đương nhiên là nhà phân phối thì họ sẽ có được mức giá tốt, những chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cũng chính vì thế mà Asanzo có rất nhiều nhà phân phối tự tìm đến với mình.
– Mục tiêu của ông là đưa thương hiệu Asanzo vươn tầm quốc tế. Ông đã có những kế hoạch gì cho mục tiêu này?
Trong thời gian tới, khi sản phẩm được đưa ra quốc tế thì cần phải trau chuốt hơn, đầu tư công nghệ tiên tiến hơn. Năm 2017, với nguồn lực tài chính có sẵn, Asanzo sẽ đầu tư cho những công nghệ mới, sản phẩm mới. Trước mắt là xây dựng thêm một nhà máy thứ hai với diện tích khoảng 10.000m² để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và nhu cầu cho xuất khẩu. Với chiến lược phát triển theo chiều sâu, chuẩn bị sẵn những tiềm lực để không bị “gãy” khi vươn xa. Chiến lược của Asanzo là phải giữ chắc thị trường trong nước; Tập trung đầu tư để phát triển thị trường nội địa, đến khi đủ lực thì mới nghĩ đến chuyện xuất khẩu.
Đó là lý do mà tại sao thời gian qua Asanzo chưa xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, mặc dù đã có một vài nước ngỏ ý muốn nhập sản phẩm của mình. Giữa năm 2017 Asanzo sẽ cho ra mắt thị trường sản phẩm Smartphone Asanzo đầu tiên phân khúc bình dân. Hi vọng rằng sản phẩm này sẽ là một cú “híc” cho thị trường điện thoại thông minh Smartphone.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông và chúc ông thành công!
Chỉ mới có mặt trên thị trường được 3 năm nhưng Asanzo đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2014, gần 100.000 chiếc tivi được tiêu thụ. Năm 2015, nhờ tiếp tục đầu tư mạnh về dòng tiền, đầu tư làm thương hiệu, sản phẩm Asanzo bắt đầu có mặt tại thị trường miền Trung và trên cả nước, nâng doanh số lên gần 200.000 chiếc. Đặc biệt là năm 2016, Asanzo dần chiếm lĩnh thị phần của các thương hiệu nước ngoài về phân khúc bình dân và sản phẩm tivi LED, doanh số của Asanzo đã lên đến con số 500.000 chiếc tương đương 2.000 tỷ đồng, chiếm 60% doanh số của cả công ty. Ngoài sản phẩm tivi, Asanzo cũng đã ra mắt thị trường các sản phẩm điện gia dụng và điện lạnh như máy lạnh Asanzo, cây lọc nước RO, bếp từ, bếp điện… |
Đình Đại thực hiện