Nhận xét về doanh nhân Tào Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty Bình Minh), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong một lần gặp gỡ đã nói: “Thanh Hóa được lấy mười người có tâm như anh Tuấn thì nhân dân sẽ giảm nghèo biết bao”.
Quả đúng vậy, bởi suốt quá trình tiếp xúc với anh tôi mới thấm thía cái chân lý mà anh nói: “Người doanh nhân phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, làm việc gì cũng phải mang tính cộng đồng cao”.
Nghĩa vụ của một người con với nơi “chôn nhau cắt rốn”
Tào Quốc Tuấn sinh ra ở Hoằng Lý, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tuổi thơ của anh gắn với sự nghèo đói, khó khăn vất vả của những năm tháng đội mũ rơm, mũ sắt đi học để tránh bom đạn đánh phá cầu Hàm Rồng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Năm 1976, anh vào Đại học Công an, năm 1981 anh ra trường và được phân công vào công tác tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhận thấy trước vận hội mới của nền kinh tế đất nước sau năm 1986, anh Tuấn đã định hướng cho gia đình thành lập doanh nghiệp, thực hiện xóa đói giảm nghèo cho gia đình và xã hội.
Năm 1990, gia đình anh mở công ty kinh doanh xăng dầu bán lẻ cho tàu thuyền đi biển, sau đó mở salon ôtô, xe máy. Năm 1993, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để mở mỏ đá sản xuất vật liệu xây dựng và nhà máy sản xuất ống cống li tâm. Năm 1995, nhà máy nước đá tinh khiết ra đời. Và một năm sau, Bình Minh bắt đầu bước vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đường giao thông và bất động sản.
Nhiệt huyết nhân đôi năm 2003, Công ty XD và SX Vật liệu xây dựng Bình Minh bắt đầu hồi hương về phát triển kinh tế Xứ Thanh. Bản thân anh khi đầu tư tại Thanh Hóa còn mang ý nghĩa đặc biệt: trở lại với những kỷ niệm tuổi thơ của mình. Đây chính là động lực để anh tâm huyết xây dựng quê hương giàu đẹp, thể hiện nghĩa vụ của một người con với nơi “chôn rau cắt rốn”.
Dự án đầu tiên mà anh và Công ty Bình Minh thực hiện tại Thanh Hóa chính là Khu công nghiệp Tây bắc ga có tổng số vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng, khởi công năm 2004 và tiếp đó là Khu đô thị Bắc đại lộ Lê Lợi năm 2005, giá trị đầu tư xây dựng 1.250 tỷ đồng. Đây là khu đô thị hiện đại đầu tiên được xây dựng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa với cơ sở hạ tầng hiện đại, quy hoạch đồng bộ các hạng mục từ đường sá, cống thoát nước, điện, công viên, trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại, môi trường sinh thái, cây xanh. Vùng quê nghèo tỉnh Thanh có lẽ thay da đổi thịt từ những dự án mà Bình Minh đầu tư, bởi lẽ, cũng là người con sinh ra trên mảnh đất này, bản thân tôi thấm thía cái nghèo, mộc mạc và đơn sơ của tỉnh mình vào những năm 2000 khi chưa có sự đầu của anh Tuấn cho hai khu đô thị này.
Điều đáng nói, dù triển khai cùng một lúc nhiều dự án nhưng Bình Minh đều hoàn thiện nhanh đúng tiến độ chỉ đúng 3 năm. Đây cũng là một kỳ tích về thời gian thực hiện và giải ngân dự án đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. Cùng với chuỗi đầu tư tại Thanh Hóa, cuối năm 2007, Bình Minh tiếp tục khởi công nhà máy nước Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia quy mô 90.000 m³/ngày đêm, chia làm hai giai đoạn (tổng số vốn gần 1 nghìn tỷ đồng). Giai đoạn I công suất 30.000m³/ngày đêm, phục vụ nước cho toàn bộ Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đến năm 2013 sẽ xong cả 2 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn I đã đi vào hoạt động phục vụ các dự án lớn của KKT như Dự án lọc hóa dầu và Nhiệt điện, nhà máy thép. Giai đoạn 2 của nhà máy dự kiến đi vào hoạt động tháng 2/2017. Bên cạnh đó, Bình Minh còn tham gia vào các dự án khác như góp vốn và xây dựng đường tránh TP Thanh Hóa BOT, dự án về hầm mỏ phục vụ nguyên vật liệu đá, cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng…
Đặc biệt, dấu ấn của Bình Minh được cả nước biết đến có lẽ, vào năm 2009, Bình Minh là Cty đầu tiên ở Việt Nam đầu tư Nhà máy sản xuất công nghệ cao chip điện tử đá thạch anh tại khu công nghiệp Tây Bắc ga, tổng vốn đầu tư trên 20 triệu USD.
Bởi lẽ, với việc đầu tư Nhà máy sản xuất chip điện tử thạch anh, Tào Tuấn không chỉ là người tiên phong đưa công nghệ cao về cho Thanh Hóa, mà anh là người đầu tiên của cả nước theo đuổi công nghệ này. Điều này đã nói lên tất cả tâm huyết, khao khát làm giàu quê hương của anh.
Tại tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm anh Tuấn đầu tư khu công nghiệp và khu đô thị thì gần như chưa có ai dám làm và nhất là xây dựng đúng vào thời kỳ “băng giá” nhà đất, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bị phá sản hoặc lao đao vì gặp cơn bão tài chính.
Hay việc triển khai đầu tư Nhà máy nước trong KKT Nghi Sơn cũng kéo dài đến 5 năm và với một số vốn lớn như vậy đến khi bán được giọt nước đầu tiên là cả một vấn đề. Ngay như những tổng công ty, tập đoàn lớn hiện đang triển khai rất nhiều dự án xây dựng tại Thanh Hóa cũng không thể làm được. Bởi vì bỏ một khoản tiền “khổng lồ” gần 1 nghìn tỷ đồng và kéo dài, đến khi bán được giọt nước đầu tiên, chắc chắn khiến cho nhiều nhà đầu tư cũng phải toát mồ hôi.
Hay như khi quyết định đầu tư nhà máy chip điện tử công nghệ cao cũng vậy, anh Tuấn phải tính toán, cất nhắc rất nhiều về lĩnh vực này. Đặc biệt đó là công nghệ mới mẻ ở Việt Nam, trên thế giới cũng rất ít quốc gia sản xuất được.
Tuy nhiên, chính vì mới mẻ nên anh rất quyết tâm và tự tin theo đuổi bằng được. Khi Tào Quốc Tuấn xây dựng nhà máy cũng là lúc đỉnh cao của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng loạt nhà máy điện tử lớn trên thế giới phá sản. Để tìm biện pháp vượt khó, anh Tuấn đã phải hàng tuần mất ngủ để tính toán, lựa chọn, ngẫm nghĩ lại liệu có nên tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy hay bỏ dở dang. Đây không phải là tiền ngân sách mà đây là tiền của mình, nếu không biết tính toán, có lòng quyết tâm thì hôm nay là tỷ phú, ngày mai sẽ là tay trắng- anh chia sẻ.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghiệp đầu tư về tỉnh Thanh, anh Tuấn nói, năm 2007, để xây dựng nhà máy nước sạch Nghi Sơn, Công ty anh phải bỏ vốn ra cải tạo và nâng cấp 4 km đường dẫn vào hồ Đồng Chùa để vận chuyển nguyên vật liệu.
Đến khi, dự án hoàn thành, ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thốt lên rằng: “Chúng tôi không ngờ anh Tuấn và Công ty Bình Minh lại đầu tư được nhà máy nước sạch lớn như thế này tại KKT Nghi Sơn. Nhà máy nước này là nhân tố rất quan trọng cho thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào KKT Nghi Sơn”. Câu nói của anh Cuông có lẽ là động lực, là phần thưởng lớn hơn của cải vật chất nào với tôi và Bình Minh – anh Tuấn nói.
“Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”
Anh Tuấn có lẽ, là người tiên phong trở về đầu tư xây dựng quê hương trong hàng nghìn người con xứ Thanh thành đạt ở khắp mọi nơi. Anh nói với tôi, người tiên phong nên bao giờ cũng vất vả và thậm chí phải hy sinh nhiều thứ, khi cùng một lúc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thì phải kiên nhẫn chờ nhiều năm sau mới thấy. Anh từng thẳng thắn với lãnh đạo Thanh Hóa: tôi về quê hương đầu tư với mong muốn cho tỉnh nhà phát triển ngang bằng với các địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, anh cũng xác định rõ như trong chiến tranh “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Nếu thành công đó là cái tốt cho tỉnh và nếu không thành công cũng là một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân Bình Minh và tỉnh Thanh Hóa.
Chia sẻ với tôi, anh Tuấn cho rằng, làm doanh nghiệp phải biết kiên nhẫn chờ đợi, nếu mới thấy khó khăn mà rút lui sẽ không thể có được thành công, vì hàng đống tiền bỏ vào dự án nếu bỏ dở dang thì sẽ gây ra tổn thất lớn cho DN và cho cả tỉnh Thanh Hóa.
Với anh Tuấn, người doanh nhân, cần phải đặt chữ tâm lên hàng đầu và phải mang tính cộng đồng cao. Làm doanh nhân nếu một khi đầy đủ đã cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được mà không nghĩ đến xã hội, đến cộng đồng thì không được coi là doanh nhân thực thụ.
Anh cho rằng: mình làm ra của cải có hưởng thụ được bao nhiêu đâu, điều quan trọng là đóng góp vào sự phát triển của xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động đó mới là thể hiện được cái tâm của người doanh nhân.
Anh rất tâm huyết với câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chữ tâm rất quan trọng với người doanh nhân, cho dù anh có tài cán đến mấy đi chăng nữa, nhưng cái tâm không tốt thì những hoài bão, mục đích, lý tưởng không còn ý nghĩa. Khi của cải làm ra nếu chỉ biết giữ cho bản thân mình, không biết đến cộng đồng, các quỹ phúc lợi, những người kém may mắn hơn mình thì sự giàu có đó thật vô nghĩa. Niềm vui với anh là làm được những gì cho sự đam mê, khát vọng và phục vụ cho phát triển xã hội. Nếu không có cái tâm lớn thì anh không thể có cái tầm lớn được.
Theo anh, cái tâm còn thể hiện ở văn hóa của doanh nhân và doanh nghiệp. Người doanh nhân không có văn hóa – văn hóa không lớn sẽ không làm được mục đích lớn. Cái tâm cũng chính là văn hóa cùng chung tay thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Chính vì hiểu được triết lý đó, nên trong bất kỳ tình huống nào anh cũng phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, sau đó, mới nghĩ đến bản thân mình. Lúc nào anh cũng tự hỏi: mình là ai, đang ở vị trí nào để biết cách ứng xử cho đúng mực.
Ấn tượng sâu đậm nhất với tôi khi lần đầu tiên bước vào phòng làm việc của anh bắt gặp dòng khẩu hiệu: “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Nhìn vào đó, tôi mới thầm hiểu hơn về tư tưởng, nghị lực và tính cách của anh. Quả đúng như vậy, mọi thất bại sẽ cho ta những kinh nghiệm quý để đi tới thành công. Anh đã từng thành công ở Vũng Tàu, TP HCM, nhưng với tình yêu quê hương, xứ sở, anh không dừng chân ở đó mặc dù rất có nhiều lợi thế. Anh đã nghĩ đến nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình. Chỉ với quan niệm này đã thấy ở anh, tình yêu quê hương lớn hơn tất cả danh vọng, tiền tài, vật chất. Nhận xét về anh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong một lần gặp gỡ đã nói: “Thanh Hóa được lấy mười người có tâm như anh Tuấn thì nhân dân sẽ giảm nghèo biết bao”. Hy vọng, với những cống hiến to lớn mà anh đã dành cho tỉnh Thanh đã được giới lãnh đạo của các nhiệm kỳ trước ghi nhận sẽ sớm được tỏa sáng và ghi nhận trong hiện tại.
MAI THANH