Hôm nay (19/9), Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Sách Trắng về CNTT-TT năm 2017 nhằm tập trung vào việc cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành trong hai năm 2015 và 2016. Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2016 gần đạt 68 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015.
Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. |
Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam là tài liệu thường niên của Bộ TT&TT từ năm 2009 nhằm cung cấp các thông tin, số liệu chính thức về ngành CNTT-TT.
Trong Sách Trắng về CNTT-TT 2017, Bộ TT&TT đã cung cấp số liệu ở 12 nội dung: ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, an toàn thông tin, viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính...
Cuốn sách giới thiệu tổng quan về hiện trạng CNTT-TT Việt Nam năm 2016. Theo đó, ngành CNTT-TT Việt Nam bước vào năm 2016 trước cơ hội của kỷ nguyên kinh tế số với tiềm năng phát triển còn rất lớn, “chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song thách thức đặt ra với nước ta là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả các tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Sách Trắng cũng nêu: “Trong hai năm 201-2016, có 14 chính sách mới được ban hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về CNTT-TT, trong đó có 6 Nghị định của Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn này cũng đã có Luật An toàn thông tin mạng được thông qua vào ngày 19/11/2015.
Đối với lĩnh vực viễn thông, sa thời gian thử nghiệm, từ tháng 10/2016, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chính thức được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G LTE. Thị trường viễn thông vẫn tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực.
Theo Sách Trắng, năm 2016, cả nước có 74 doanh nghiệp viễn thông đang cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, và 5 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2016 đạt 136.499 tỷ đồng (tương đương 6,16 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2015).
Sách Trắng cũng thống kê tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn và dữ liệu trong năm 2016 đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Trong khi đó, tổng số thuê bao truy nhập băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê vao.
Năm 2016 cũng được ghi nhận với những nỗ lực của Bộ TT&TT hành động quyết liệt nhằm xoá bỏ vấn nạn tin nhắn rác, thu hồi khoảng 15 triệu SIM kích hoạt sẵn (cho đến hết năm 2016).
Theo Sách Trắng, công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Cụ thể, tổng số doanh nghiệp CNTT cả nước năm 2016 ước tính là 24.501 doanh nghiệp, tăng 13,13% so với năm 2015.
Tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp CNTT năm 2016 ước tính đạt 1.500.009 tỷ đồng (tương đương 67.963 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015), trong đó công nghiệp phần cứng là 58,838 tỷ USD, công nghiệp phần mềm là 3.038 tỷ USD, công nghiệp nội dung số là 739 triệu USD, và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 5.078 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước tính đạt 60.789 tỷ USD, trong đó phần cứng điện tử là 57.737 tỷ USD, phần mềm là 2.491 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.320 tỷ đồng, đóng góp khoảng 3,4 tổng ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ công bố phát hành Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết mong muốn ấn phẩm sẽ hữu ích, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định xây dựng chính sách, đồng thời cung cấp thông tin giá trị cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham khảo cho hoạt động kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT, góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT-TT tại Việt Na
Khôi Linh / dantri