Trong gần một năm qua, tuy cũng có thời điểm doanh thu từ phòng và những dịch vụ như ẩm thực, sự kiện của các khách sạn tại Việt Nam có tăng trưởng nhẹ nhưng tổng doanh thu vẫn sụt giảm mạnh. Chỉ riêng doanh thu phòng trong 11 tháng đầu năm đã giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2019, giảm mạnh hơn so với khu vực.
Một khách sạn ở Đà Nẵng, nơi ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động kép của đợt bùng phát dịch lần 2 và bão lũ vừa rồi. Ảnh: Đào Loan
Thị trường hồi phục chậm
Một năm đầy biến động của mảng du lịch nói chung và khách sạn nói riêng đã dần đi qua nhưng dư chấn vẫn rất nặng nề. Những kỳ vọng ban đầu về việc dịch có thể khống chế sớm, đường bay quốc tế nối lại, thị trường nội địa sôi động... để các khách sạn có thể hồi phục một phần doanh số từ đợt bùng phát dịch hồi đầu năm chẳng những không thành hiện thực mà còn thay bằng những khó khăn lớn hơn, làm sức mua suy giảm liên tục.
Đó là đợt giãn cách cách xã hội bắt đầu từ cuối tháng tư, đợt bùng phát dịch lần 2 ở Đà Nẵng và gần đây nhất là chuỗi 4 ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM.
"Không những các sự kiện trong tháng này mà sự kiện trong tháng 1-2021 cũng bị hủy. Dịch cứ thất thường làm doanh nghiệp ngại tổ chức sự kiện", giám đốc bán hàng (không muốn nêu tên) của một khách sạn 5 sao ở TPHCM nói.
Dự đoán về mảng doanh thu phòng ngủ, doanh nhân này cho rằng gần như không dám tính đến vì thường vào thời điểm này, mức lấp đầy cho tháng 1 năm sau là từ 30-40% nhưng hiện tại chỉ được 1% mà vẫn chưa chắc chắn.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, 3 tháng qua, nhu cầu đặt phòng dần phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Trong đó, Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để đạt công suất 20%; Nha Trang và Phú Quốc có công suất cao hơn, đặc biệt là vào cuối tuần nhờ các gói ưu đãi. Tuy nhiên, toàn thị trường nghỉ dưỡng sẽ khó vượt ngưỡng công suất 25%. Các khách sạn ở thành phố còn khó khăn hơn.
Tính chung 11 tháng, tình hình kinh doanh của khách sạn tại Việt Nam kém hơn khu vực. Trong đó, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước trong khi khu vực chỉ giảm 1/2; công suất và giá phòng trung bình giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường phục hồi khá chậm. Thị trường nội địa vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Thực tế, nguồn cầu chỉ tăng vào cuối tuần. Vì vậy, các khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn..
Khốn khó kéo dài của ngành khách sạn tại đô thị lớn
Kinh doanh khách sạn thời này đã khó, kinh doanh khách sạn ở những thành phố lớn lại càng khó hơn do nguồn doanh thu chính của hệ thống này đến từ thị trường quốc tế và mảng ẩm thực, sự kiện - vốn đang bị đình đốn bởi dịch bệnh.
Từ cuối tháng 9, số lượng đặt hàng cho các sự kiện hội nghị ở một số khách sạn ở Hà Nội và TPHCM tăng đáng kể nhưng đến đầu tháng 12 này lại tiếp tục sụt giảm, đặc biệt là ở TPHCM do xuất hiện ca nhiễm mới. Các khách sạn ở TPHCM thường nhộp nhịp sự kiện hội nghị, tiệc từ cuối năm cũ đến đầu năm mới nhưng hiện tại, phần lớn sự kiện của doanh nghiệp bị ngưng trệ; phần tiệc gia đình cũng giảm mạnh do người dân cắt giảm chi tiêu và Việt kiều không thể về nước.
Trong khi đó, các gói du lịch tại chỗ (staycation), vốn được cho là phù hợp với khách sạn thành phố trong giai đoạn việc đi lại gián đoạn vì dịch bệnh cũng không bán tốt như kỳ vọng, chỉ một ít khách sạn có thể bán được gói này. Số lượng khách đặt dịch vụ cũng ít.
"Doanh thu của chúng tôi được đánh giá là khá hơn so với nhiều khách sạn khác nhưng chưa bằng một nửa của năm ngoái. Dự đoán năm tới sẽ còn tệ hơn năm nay", giám đốc bán hàng của khách sạn 5 sao vừa kể trên nói.
Theo ông, năm nay doanh thu chỉ giảm hơn 50% là nhờ 3 tháng đầu năm vẫn còn nguồn thu khá còn dự báo cho 3 tháng đầu năm 2021 được dự báo là sẽ rất u ám.
Tại khách sạn này, thu nhập của nhân viên tiếp tục giảm thêm 30% sau khi đã giảm đến 45% vào những tháng trước. Nhiều nhân viên đang rời đi vì thu nhập không đủ sống. Tình hình còn khó hơn ở những khách sạn khác, có nơi còn chưa thể mở cửa, nhiều nơi đã cho phần lớn nhân viên tạm nghỉ vì không có khách để phục vụ.
Nhận định về khả năng phục hồi, ông Gasparotti của Savills cho rằng, kỳ vọng từ quí 3, quí 4 năm 2021 khi các hạn chế đi lại được nới lỏng. Khi đó, khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và khách du lịch cá nhân từ khu vực lân cận sẽ đi lại, thúc đẩy quá trình hồi phục của mảng khách sạn.