Với 400 chiếc cồng do 400 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống xướng lên những âm thanh hùng hồn vang vọng núi rừng đã tạo nên nét độc đáo trong lễ hội Mường Khô linh thiêng của người Mường ở miền Tây Thanh Hóa.
Từ bao đời nay, năm nào cũng vậy cứ vào tháng giêng âm lịch hàng năm, người Mường ở Bá Thước lại nô nức tổ chức lễ hội Mường Khô. Họ đánh trống, rước kiệu, đánh chiêng cầu mong năm mới an lành, cuộc sống nó đủ.
Theo truyền thuyết thì lễ hội Mường Khô chính là tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Bao đời nay, lễ hội Mường Khô là lễ hội không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Mường ở Bá Thước |
Mường Khô xưa là nơi cư trú của gia tộc Hà Công, một dòng họ lớn, có uy tín và thế lực mạnh; nơi sinh ra và lớn lên của Hà Văn Mao - một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương, đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm.
Địa thế của vùng Mường Khô uốn lượn theo thế sông, dáng núi, hội tụ hầu hết các dòng suối trong địa phận huyện Bá Thước đổ về, cùng với những quả đồi Lai Li - Lai Láng, nơi gắn với truyền thuyết về “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc”.
Lễ hội Mường Khô không thể thiếu hình ảnh hàng trăm cô gái mặc trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng |
Để chuẩn bị cho lễ hội, những người có uy tín trong làng và nhân dân trong Mường đã chuẩn bị chu đáo những đồ lễ tế như trâu, lợn, gà, cá, bánh chưng, rượu, gạo, hoa quả… Đồ lễ được sắp thành 18 mâm cỗ, trong đó có 10 mâm cỗ mặn, 2 mâm bánh chưng và 6 mâm ngũ quả.
Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, người dân Mường Khô chọn giờ đẹp tiến hành nghi lễ rước kiệu ra Chùa Mèo - nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Dẫn đầu đoàn rước là đội cồng, chiêng vừa đi vừa diễn tấu, sau là chấp kích, bát bửu, kiệu long đình có lọng che.
Đồ tế lễ được đặt ở 2 nơi là Đền Cụ (Hậu cung) và nhà chính - nơi thờ những người có công với nước, với Mường như: Hà Công Thái, Hà Công Ngôn, Hà Công Chấn, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt. Sau đó là những nghi thức tế lễ để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hòa.
Đến lễ hội, ai cũng muốn được chính tay xướng lên những âm thanh cồng chiêng để cầu mong may mắn, an lành, no đủ trong năm mới |
Đặc biệt, trong lễ hội không thể thiếu tiết mục của 400 cô gái mặc trang phục truyền thống xếp thành hàng trang nghiêm mang theo 400 chiếc cồng xướng lên những âm thanh vang vọng khắp núi rừng báo hiệu lễ hội bắt đầu.
Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của một gia đình, một dòng họ sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao xứ Thanh. Đối với mỗi gia đình xứ Mường thì dịp này cũng giống như họ được ăn một cái Tết lại.
Phiên chợ mua may bán rủi cũng được diễn ra trong lễ hội |
Nếu phần lễ là những nghi lễ tôn nghiêm, thành kính, thì phần hội trong lễ hội Mường Khô là những trò chơi, trò diễn đặc sắc như tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu, đánh cồng chiêng… thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây cũng là dịp để người dân vùng Mường Khô “phô diễn” những trò chơi, trò diễn của mình.
Tại lễ hội Mường Khô, phiên chợ vùng cao cũng được diễn ra. Những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường như rượu cần, cơm lam, canh đắng… Mỗi khi lễ hội diễn ra, bà con trong vùng có của ngon, sản vật quý như nấm hương, mộc nhĩ, mật ong rừng, măng đắng, măng khô… cũng mang ra bày bán. Người dân xứ Mường cũng quan niệm đây chính là phiên chợ mua may bán rủi.
Bình Minh
Dân trí