Vào 0h ngày 11/2 tới, 13 tỉnh thành đầu tiên trên cả nước sẽ tiến hành chuyển đổi mã vùng giai đoạn 1. Điều người dân đang rất quan tâm hiện nay là lợi ích của việc chuyển đổi mã vùng và những tác động của việc chuyển đổi này tới đời sống xã hội.
Mã vùng của 13 tỉnh thành sẽ thay đổi từ 0h ngày 11/2 tới. Ảnh:VietnamPlus.
Vì sao cần phải chuyển đổi mã vùng?
Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành năm 2014. Một trong những mục tiêu cơ bản đặt ra đối với việc xây dựng và thực hiện quy hoạch kho số viễn thông là đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới.
Thời gian qua, xu hướng Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) đã được nói đến rất nhiều và dự báo đến năm 2050 có khoảng 50 tỷ kết nối di động. Việc triển khai Quy hoạch kho số viễn thông, trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng bắt đầu từ tháng 2/2017, là để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết này.
Với việc ban hành và triển khai Quy hoạch kho số viễn thông mới, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị cho phát triển Internet vạn vật. Dự kiến việc triển khai Quy hoạch này sẽ hoàn tất trong năm 2018. Chậm trễ triển khai quy hoạch kho số này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển nền kinh tế số, kìm hãm sự phát triển của giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh...
Mục tiêu thứ hai đặt ra khi triển khai kế hoạch chuyển đổi mã vùng là để sau khi chuyển đổi, mạng lưới viễn thông cố định sẽ có được một bảng mã vùng mới dễ nhớ và công bằng hơn với người sử dụng. Việc chia tách và sáp nhập tỉnh/thành phố trong những năm qua dẫn đến mã vùng của Việt Nam có độ dài không đồng nhất, có tỉnh có độ dài mã vùng là 1 chữ số, có tỉnh có độ dài mã vùng là 2 và thậm chí là 3 chữ số. Ví dụ trước đây tỉnh Vĩnh Phú có mã vùng là 21. Khi tách tỉnh thành 2 tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng 210 và Vĩnh Phúc là 211.
Một mục tiêu nữa mà Bộ TT&TT hướng tới khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là tạo điều kiện để chuyển các mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay. Cụ thể, sau khi chuyển đổi mã vùng, sẽ dành ra được một số đầu số để sử dụng làm mã mạng di động và các thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển sang mã mạng di động mới có độ dài đồng nhất là 10 chữ số. Nếu thực hiện chuyển đổi mã vùng chậm hơn hoặc kéo dài thời gian chuyển đổi mã vùng thì thực hiện chuyển đổi thuê bao di động 11 số về 10 số sẽ bị chậm lại. Như vậy, thêm nhiều người sử dụng số thuê bao 11 số sẽ chịu tác động thay đổi sau này.
Các mạng di động gửi tin nhắn tới khách hàng thông báo kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 1.
Chuyển đổi mã vùng phù hợp theo thông lệ quốc tế
Việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là việc các nước trên thế giới đều phải làm để đáp ứng nhu cầu sử dụng và sự phát triển liên tục của công nghệ và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin.
Ví dụ năm 1992 Hàn Quốc đã tăng độ dài số thuê bao tại Seoul từ 7 lên 8 chữ số bằng cách thêm số 2 phía trước. Đến năm 1999 toàn bộ số thuê bao cố định của Hàn Quốc (trừ Seoul) có độ dài 7 chữ số được kéo dài lên 8 chữ số bằng cách thêm số 2 phía trước. Sau đó đến năm 2000 thì toàn bộ mã vùng trừ Seoul có độ dài 3 chữ số đều đổi về 2 chữ số. Tại Trung Quốc năm 1995, mã vùng của Bắc Kinh thay đổi từ 1 thành 10, đến năm 1996 thì mở rộng độ dài số thuê bao cố định từ 7 thành 8 chữ số. Trong năm 2002, rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã tiến hành đổi mã vùng, đổi số thuê bao cố định...
Như vậy, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại của chúng ta hiện nay là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một số tác động của việc chuyển đổi mã vùng
Các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới Ví dụ: nếu gọi từ di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số 04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng ta quay số 024.23456789. Nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số.
Đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số điện thoại cố định Việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao điện thoại cố định, số thuê bao vẫn giữa nguyên như cũ. Ví dụ: số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố) sẽ không có gì thay đổi. |
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Cần phải hiểu rõ đây là số lượng chịu tác động, không phải là 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam sẽ bị mất liên lạc khi chuyển đổi mã vùng.
Trước và trong thời gian chuyển đổi mã vùng các nhà mạng và cơ quan truyền thông sẽ thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn… cả trong nước và quốc tế nên mọi người đều biết mã vùng được thay đổi như thế nào, vào thời gian nào. Vì vậy có thể nói rằng tác động tới các cuộc gọi là có, nhưng không nhiều, ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Ngoài ra, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng chịu tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng (ví dụ: card visit, bao bì, biển quảng cáo…), phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu giữ trong điện thoại di động… tương tự như khi chúng ta tách hoặc sáp nhập tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì sự thay đổi này là cần thiết cho sự phát triển tất yếu sắp tới và mang lại lợi ích lâu dài cho đại đa số người dân. Quy hoạch kho số viễn thông quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi mã vùng đã được nghiên cứu kỹ, trong thời gian dài, cố gắng hài hoà các lợi ích.
Bộ TT&TT mong muốn người sử dụng dịch vụ viễn thông bị ảnh hưởng do đợt đổi mã vùng này hãy chia sẻ mục tiêu phát triển chung của thị trường viễn thông và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là mục tiêu đáp ứng kịp thời các nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, đặc biệt trong bối cảnh Internet vạn vật chuẩn bị bùng nổ khi rất nhiều thiết bị sẽ được kết nối qua mạng di động 4G/5G như tủ lạnh; tivi; hệ thống chiếu sáng; ô tô; thiết bị y tế cá nhân; đồng hồ đo điện, nước...
H.P. / vietnamnet