Thời gian qua, lượng phôi thép và thép dài Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt khiến ngành thép trong nước hết sức khó khăn. Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời đối với 2 mặt hàng trên. Đây được coi là “chiếc phao” cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành thép cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động
Theo các chuyên gia kinh tế, tự vệ chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, trình độ quản lý thay vì trông chờ cơ quan quản lý can thiệp, áp thuế. Những cam kết hội nhập là uy tín của cả quốc gia và nền kinh tế. Người tiêu dùng đều muốn ưu tiên sử dụng thép trong nước, nhưng đó phải là những sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý, chứ không thể chấp nhận mua thép nội chất lượng thấp, nhưng giá lại cao ngất ngưởng.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước như: Tôn Đông Á, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép Pomina, POSCO… đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, các sản phẩm của các doanh nghiệp này đã sản xuất theo tiêu chuẩn JIS, ASTM. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng đã xuất khẩu được sang nước ngoài như: Campuchia, Trung Quốc, Úc, Mỹ… Còn lại các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất khác thì sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng còn hạn chế, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng ISO 9000, ISO 14000,...còn hầu hết doanh nghiệp nhỏ và cơ sở sản xuất thì chưa áp dụng. Đây là hạn chế trong việc duy trì, ổn định và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Ông Kyoung Hee Park - đại diện Công ty Thép POSCO - cho biết: Nhờ nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, có kế hoạch trực quan mà hiệu suất hoạt động tốt hơn, giảm thời gian làm việc vô ích, tăng công việc tạo giá trị (17%), giảm việc đột xuất bất ngờ (21%) và nâng cao sự hài lòng về công việc (30-90%). Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề năng suất, chất lượng. Một thực trạng khác là năng suất lao động của công nhân và các doanh nghiệp trong nước còn thấp, tình trạng công nghệ và máy móc còn cũ kỹ, thiếu vốn, năng lực hạn chế trong sản xuất, kinh doanh, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp còn lại ít tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý sản xuất, sản xuất kinh doanh, đều này mang tầm ảnh hưởng lớn đến việc cạnh tranh của sản phẩm, làm giảm khả năng duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm.
Theo các chuyên gia, để ngành thép phát triển bền vững thì các doanh nghiệp hiện nay cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. |