Cả nước có 131 triệu thuê bao di động nhưng mới 6,3 triệu thuê bao đổi SIM 4G và chỉ 3,5 triệu thuê bao thực sự sử dụng 4G.
Người Hà Nội đi đổi SIM 4G tại một điểm bán hàng của nhà mạng trong "phong trào" đổi SIM 4G miễn phí. Ảnh: Ngô Minh. |
Chị P. Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang sử dụng thuê bao MobiFone cho hay chị đã đổi SIM 4G từ tháng 4 nhưng tới nay vẫn chưa sử dụng. Có nhiều nguyên nhân khiến chủ thuê bao này vẫn dùng 3G thay vì chuyển sang 4G.
Chị Chi kể chị đổi SIM 4G vào thời điểm phong trào đổi SIM miễn phí được nhiều nhà mạng áp dụng. Lúc chị chuyển sang SIM 4G, MobiFone đã hết đợt miễn phí đổi SIM nhưng số tiền chị bỏ ra chỉ 25.000 đồng nên khách hàng này vẫn chấp nhận đổi.
Sau 3 tháng đổi SIM, chị Chi vẫn chưa chuyển sang 4G. Nguyên nhân đầu tiên khiến chị cân nhắc là hiện gói 3G của chị có ưu đãi sử dụng không giới hạn.
"Mình dùng không giới hạn 3G tốc độ cao chỉ mất 25.000 đồng một tuần nên gói 4G dù có rẻ hơn nhưng dung lượng vẫn không đáp ứng nhu cầu của mình", khách hàng MobiFone cho hay. Chị cũng chia sẻ tốc độ 3G đang phục vụ tốt nhu cầu sử dụng và cảm thấy chưa cần thiết để nâng lên 4G.
Khách hàng này còn cho rằng dùng 4G sẽ khiến điện thoại hết pin nhanh hơn so với 3G. Đó là lý do dù đã đổi SIM 4G, chị vẫn dùng 3G. "Công việc của mình cần điện thoại cả ngày nên pin rất quan trọng với mình, mình không muốn tốc độ cao hơn mức cần thiết nhưng máy lại nhanh hết pin", chị nói.
Giống như chị Chi, không ít khách hàng của cả 3 nhà mạng đều đã đổi SIM 4G nhưng chưa sử dụng dịch vụ 4G.
Con số 3,5 triệu người dùng 4G thực chất trong số 6,3 triệu khách hàng đã đổi SIM 4G mới thống kê cho thấy mới chỉ có 55,5% người dùng đã đổi SIM thực sự sử dụng dịch vụ 4G sau nửa năm triển khai loại hình dịch vụ này.
So với 131 triệu thuê bao di động trên cả nước, dư địa phát triển 4G của các nhà mạng còn rất rộng rãi. Tuy nhiên, bài toán tìm lời giải cho việc vì sao người dùng đổi SIM 4G nhiều mà thực chất sử dụng chỉ được hơn nửa.
Với những khách hàng trẻ như chị Chi, thông tin về giá cước và tốc độ của 4G đều được nắm rõ. Tuy nhiên, với những người có tuổi, trong đó có bà Loan (Đống Đa, Hà Nội), 4G vẫn là khái niệm khá khó hiểu.
"Tôi đã đi đổi SIM 4G của Viettel vì nghe nói vừa miễn phí tốc độ lại cao hơn. Tuy nhiên đổi xong thì gọi điện nhắn tin vẫn thấy vậy nên tôi không hiểu là nhanh hơn ở điểm nào", bà Loan thắc mắc.
Khi được biết phải đăng ký gói cước 4G để kết nối Internet tốc độ cao trên di động, bà Loan gạt đi: "Tôi già rồi, dùng làm gì những thứ này". Cũng theo bà Loan, những người đổi SIM 4G vì miễn phí nhưng lại không dùng như bà ở khu này không phải ít.
Tương tự như chị Chi, chị T. Yến (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng 3G hiện đáp ứng rất tốt nhu cầu sử dụng cho công việc chỉ là gửi email, tin nhắn của chị. Khách hàng này cũng chia sẻ chị chưa nắm được thông tin về giá cước 4G rẻ hơn 3G nên sẽ cân nhắc để đăng ký.
Theo khảo sát của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG, 56% số người được hỏi dùng 4G cho giải trí và chỉ có 29% cho công việc. Về mức độ hài lòng của dịch vụ 4G, 7% chưa hài lòng về tính ổn định, 5,8% chưa hài lòng về chất lượng và 17% chưa hài lòng với giá và gói cước. Mức này được cho là đã cải thiện rất nhiều so với thời điểm ra mắt 3G.
Nguồn tin từ một nhà mạng cho hay nguyên nhân khiến người dùng đã đổi SIM 4G nhưng vẫn dùng 3G rất đa dạng, trong đó có việc người dùng đổi miễn phí khi chưa có nhu cầu thực hay thông tin về 4G. Một số khách hàng khác thì đổi SIM 4G để hưởng các gói cước trải nghiệm 4G miễn phí, rồi sau đó không dùng. Do đó, bản thân vị này cũng không quá bất ngờ với kết quả 55% người dùng thực sự dùng 4G.
Nhận định tại hội nghị 4G do IDG tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho biết việc chuyển đổi khách hàng từ 2G lên 3G, 4G sẽ đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng doanh thu của các nhà mạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đầu triển khai 4G, hạ tầng mạng này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu về dung lượng truy cập còn tốc độ vẫn chưa được như kỳ vọng.
Đầu tháng 7/2017, việc đo kiểm chất lượng mạng 4G của các nhà mạng đã bắt đầu được thực hiện. Đại diện Cục Viễn thông cho biết kết quả tại hai nhà mạng lớn sẽ sớm được công bố.
Trước đó, tại buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ, cũng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng rằng nhà mạng cần đảm bảo chất lượng khi cung cấp 4G và yêu cầu nhà mạng cung cấp 4G “phải đúng là 4G” chứ “không phải là 3G+”.
Ngô Minh / Zing News