Trong khi đối thủ lớn là Ấn Độ gặp “vận đen”, Thái Lan gặp khó. Đây được xem là cơ hội để tôm cá Việt chiếm thị phần ở những thị trường lớn như Nga - Mỹ.
Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang khởi sắc. Riêng tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 17%. Kết thúc quý I/2020 thế mạnh này của Việt Nam thu về 1,7 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản thu về 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm có nhiều tín hiệu tích cực tại các thị trường lớn EU, Mỹ. Nguyên nhân là do việc triển khai tiêm vắc xin diện rộng ở những nước này giúp người dân dần dần yên tâm quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng... nhu cầu dần phục hồi.
Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ và các loại hải sản khác sang Mỹ được dự đoán tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm. Bởi, nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ là Ấn Độ đang gặp hàng khó khăn do dịch Covid-19.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga tăng 700% trong tháng 3/2020 (ảnh: Minh Dũng)
Năm 2021 sẽ là một năm thực sự khó khăn với ngành tôm Ấn Độ khi thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển tăng gấp 3 lần, giá nhiên liệu tăng, chi phí đóng gói và nhân công tăng, đồng Rupee Ấn Độ mạnh lên so với đồng USD Mỹ, chính phủ cũng đã loại bỏ các ưu đãi xuất khẩu.
Chưa kể, làn sóng Covid-19 mới đang bùng phát tại Ấn Độ dẫn đến rối loạn về nguồn cung và giá cả. Hơn nữa, tôm Ấn đang là đối tượng ngành tôm Mỹ tấn công, với động thái gây áp lực để chính quyền Mỹ đánh thuế 2% với tôm nước ấm Ấn Độ, đồng thời cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm nước này. Năm 2021 có thể là năm “đen tối” với tôm Ấn Độ.
Tương tự, ngành thuỷ sản Thái Lan cũng gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp ở nước này.
Việc các đối thủ lớn Ấn Độ và Thái Lan đang gặp “vận đen” mang lại cơ hội để mặt hàng tôm nói riêng và thuỷ sản Việt Nam nói chung gia tăng thị phần tại thị trường lớn trên thế giới.
Mỹ cũng tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Hiện Mỹ là khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt gần 334 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo VASEP, ngoài Mỹ, các thị trường khác như ÚC, Canada, Anh, Nga tiếp tục là thị trường triển vọng trong nửa cuối năm nay vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp bất cứ rào cản thị trường nào.
Đáng nói nhất là thị trường Nga, xuất khẩu cá tra sang thị trường này 3 tháng đầu năm nay tăng 126% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3/2020 còn ghi nhận mức tăng kỷ lục lên tới 700%.
Đối thủ Ấn Độ và Thái Lan đang phải đối phó với dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian tới (ảnh: Minh Dũng)
VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý II/2021 tăng 10%, đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, đạt 980 triệu USD. Dự báo năm 2021, xuất khẩu thủy sản có thể đạt tới 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP - lưu ý các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng thay đổi của các thị trường để chuyển hướng sản xuất sang phù hợp. Thói quen tiêu dùng ở các thị trường hiện đã thay đổi. Nhu cầu với các sản phẩm thủy sản tươi/sống tiếp tục giảm. Thay vào đó, các thị trường tập trung vào sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản,... với giá cả phù hợp cho tiêu thụ ở kênh bán lẻ.
Hơn một năm qua, nhiều nước tiến hành giãn cách xã hội vì dịch Cocvid-19 khiến xu hướng tiêu thụ thuỷ sản thay đổi. Trong khi thuỷ sản tươi sống, hàng đông lạnh điêu đứng thì thuỷ sản đóng hộp có thời hạn bảo quản lâu, dễ chế biến lên ngôi.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến sản phẩm.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hoè nhận định, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... tiếp tục là “đòn bẩy” cho xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, để các sản phẩm Việt Nam chinh phục được đa dạng thị trường, cần tạo ra sự khác biệt rõ nét về cả chất lượng và hình thức.