Tính đến đầu tháng 6/2017, các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, vận hành khai thác đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt trong một ngày đêm.
Với việc đưa 3/5 dự án đường bộ cao tốc vào khai thác, có tổng chiều dài 350 km, chiếm một nửa chiều dài đường cao tốc quốc gia, VEC đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế. Người dân, doanh nghiệp và xã hội được hưởng lợi trực tiếp từ khi các tuyến cao tốc được mở ra.
Năm 2016, VEC phục vụ 30,8 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu và tổng lưu lượng tăng trên 30% so với năm trước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, đã có 15,6 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc, tăng 10% so với lượng phương tiện qua lại trong nửa đầu năm 2016.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư, quản lý và khai thác, có tổng chiều dài 55 km |
Tính đến thời điểm hiện tại, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt trong một ngày đêm. Nhìn nhận về hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá, thời gian qua, những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây… đã mang lại hiệu quả to lớn khi gia tăng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian và góp phần hạ giá thành vận tải.
“Theo tính toán, chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% GDP, vì thế, khi cước vận tải hạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Ngọc cho biết.
Bên cạnh việc mang lại hiệu quả lớn đối với xã hội, người tham gia giao thông và các doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa, hành khách, việc đưa các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào vận hành khai thác còn góp phần to lớn giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 70 và cửa ngõ vào Hà Nội, TP.HCM.
“Phát triển đường cao tốc ở Việt Nam là nhu cầu cần thiết khi đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/năm. Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến”. -TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, các tuyến cao tốc của VEC đạt tiêu chuẩn quốc tế, vận hành khai thác chuyên nghiệp đã tác động đến việc chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông. Thông qua đó, xây dựng được văn hóa giao thông rõ nét hơn. Đây cũng là cơ sở để tiếp cận, xây dựng, hình thành ý thức của người tham gia giao thông.
Không chỉ vậy, “khi hệ thống cao tốc được kết nối còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư các hạ tầng khác. Không cần tỉnh nào cũng phải xây dựng cảng biển, sân bay, bởi nhờ có đường cao tốc, cả vùng có thể sử dụng chung những hạ tầng giao thông đó" - TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích.
“Việc các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội đã khẳng định vai trò nòng cốt, số một của đơn vị trong chiến lược đầu tư phát triển, vận hành khai thác hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá.
Anh Minh