Năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến những dòng vốn lớn ào ạt đổ vào các dự án mang tầm vóc ngàn tỷ tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc, thậm chí cả miền sơn cước Lào Cai. Đặc biệt, thị trường BĐS Đà Nẵng có sức hút lớn các đại gia BĐS tầm cỡ như VinGroup, SunGroup, Hòa Bình, HB Group, Novaland. Dường như đang có sự chuyển dịch làn sóng đầu tư vào thị trường BĐS du lịch ở Đà Nẵng nhờ sự kiện APEC 2017?
Biển Cà Ná - Ninh Thuận
Trong xu thế sôi động đó, Ninh Thuận một địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch, sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp có vẻ thầm lặng, không trở thành điểm ngắm mới của các đại gia BĐS. Vì sao vậy?
Ninh Thuận đã xác định du lịch trở thành ngành thứ 2 trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. TS. Trần Du Lịch từng nhận xét, thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận những lợi thế để phát triển du lịch. Thế nhưng, nhiều năm qua, khá nhiều nhà đầu tư hào hứng đến với Ninh Thuận rồi... vội vã ra đi, để lại những dự án dang dở, bỏ hoang.
Từ năm 2000 đến nay, Ninh Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đến nay, so với cam kết, trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án triển khai không đúng tiến độ, không ít dự án vẫn nằm trên giấy.
Một vài ví dụ điển hình: Tại khu vực biển Cà Ná- nơi được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng-nhiều dự án resort bỏ hoang. Dự án khu nghỉ dưỡng chạy dọc tuyến đường sắt Bắc- Nam, mặt tiền biển gần 700m, bỏ hoang gần 10 năm nay. Dự án khu du lịch “khủng” Bình Tiên được cấp phép từ năm 2005, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, diện tích 190ha. Năm 2009, dự án khởi công hoành tráng rồi... tạm ngưng. Đầu năm 2011, chủ dự án rầm rộ phát lệnh thi công, cam kết đi vào hoạt động cuối năm 2012, nhưng rồi vẫn chỉ là lời hứa...
Theo lý giải của các nhà khoa học, Ninh Thuận được bao bọc bởi những dãy núi cao, như những chiếc bình phong lớn chắn gió mang mây và mưa tới. Vì vậy, Ninh Thuận mỗi năm chỉ có trên dưới 50 ngày mưa, lượng mưa bình quân rất thấp. Về mùa khô, cả Ninh Thuận gió cát mịt mù, nắng cháy như sa mạc, rất khó hấp dẫn du khách.
Một yếu tố khác, Ninh Thuận nằm giữa “tam giác du lịch” Nha Trang- Đà Lạt- Phan Thiết, gặp thách thức lớn trong cạnh tranh với những điểm du lịch nổi tiếng của 3 đỉnh tam giác đó.
Phải chăng, khi thiên nhiên không ưu đãi con người thì chỉ còn một cách, đó là con người ưu đãi với nhau: Ninh Thuận tạo những ưu đãi đặc biệt với nhà đầu tư kèm theo những cam kết chắc chắn thực hiện một số dự án chọn lọc làm “đầu tàu” kéo theo các dự án khác, để thị trường BĐS du lịch phát triển chậm nhưng chắc?
Trần Phương / baocongthuong