Việc đón sóng đầu tư mới vào lĩnh vực công nghiệp chế biến-chế tạo đang cho thấy KCN tại Việt Nam đã cũ kỹ trước nhu cầu lớn về trung tâm dữ liệu và logistics ngay bên trong KCN.
Các khu công nghiệp đang có sức hút lớn với dự án FDI. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Việt Linh
Miền Bắc là “tâm sóng”
Bằng việc tiếp nhận dự án sản xuất các sản phẩm giấy 611 triệu USD của Liên doanh đầu tư Thái Lan - Nhật Bản Kraft Vina, Vĩnh Phúc đã có bước ngoặt lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm 2021. Vốn FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh này đã lên tới gần 1 tỷ USD trong 10 tháng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự án 611 triệu USD mà Kraft Vina đầu tư tại KCN Bình Xuyên dẫn đầu cả nước về đầu tư nước ngoài cấp mới vào KCN kể từ đầu năm đến nay. Kraft Vina đặt mục tiêu đạt công suất 800.000 tấn/năm, với các sản phẩm chính là giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì.
“Kỳ tích” thu hút vốn ngoại không ngẫu nhiên đến với Vĩnh Phúc. Chính quyền tỉnh này đã yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các đề xuất/kiến nghị của doanh nghiệp nhanh nhất, bảo đảm không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin.
Để thu hút đầu tư thời dịch, Vĩnh Phúc cũng đã thành lập Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp/nhà đầu tư; đồng thời xây dựng quy trình đầu tư mới, giảm khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài không thể sang thực hiện thủ tục đầu tư do dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, dòng chảy FDI vào công nghiệp chế biến - chế tạo có xu hướng đi vào khu vực phía Bắc nhiều hơn. Điều này không khó đoán, bởi miền Bắc có lợi thế gần Trung Quốc hơn khi đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam, trong khi dịch bệnh ở phía Nam diễn biến phức tạp hơn.
Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Bắc Giang là 3 địa phương dẫn đầu về thu hút các dự án FDI lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo. Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, theo sau dự án 611 triệu USD của Kraft Vina là dự án sản xuất linh kiện điện tử gần 500 triệu USD của nhà đầu tư Jinko Solar (Hồng Kông) vào KCN Amata (Quảng Ninh).
Năm dự án FDI lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo ở phía Bắc đều do các nhà đầu tư châu Á rót vốn. Ngoài Kraft Vina và Jinko Solar nói trên, nhóm này có sự xuất hiện của nhà đầu tư Foxconn Technology (Singapore) với dự án sản xuất thiết bị điện tử 270 triệu USD tại KCN Quang Châu (Bắc Giang), JA Solar Investment (Trung Quốc) với dự án công nghệ tế bào quang điện 210 triệu USD cũng ở KCN Quang Châu và BYD Electronics (Hồng Kông) với dự án sản xuất thiết bị điện tử 269 triệu USD tại KCN Phú Hà (Phú Thọ).
Trong khi đó, top 5 dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo ở phía Nam cũng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á, như Singapore, Nhật Bản và Thái Lan, nhưng mức vốn đầu tư mỗi dự án thấp hơn nhiều so với ở khu vực phía Bắc. Giá trị đầu tư mỗi dự án trong nhóm này dao động trong ngưỡng 36 - 78 triệu USD, rải rác ở các KCN tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.
Sức ép trước làn sóng đầu tư mới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu trong 18 lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2021, với tổng vốn thu hút được là 12,74 tỷ USD (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước), bằng 53,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến - chế tạo là ngành thu hút được nhiều dự án nhất, với 442 dự án cấp mới, chiếm 32,1% tổng số dự án.
Phần lớn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm đến nay tập trung vào sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng như điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử..
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp tại Savills Việt Nam nhận định, phần lớn dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm đến nay tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử. So với vốn FDI 10 năm trước, rõ ràng, Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị.
“Kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc mở cửa lại những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố giúp công nghiệp quý IV/2021 phát triển khả quan hơn so với 3 quý đầu năm và là điều kiện tiên quyết cho một năm 2022 thành công. Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của doanh nghiệp địa phương”, ông John Campbell nhận định.
Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam đã đón được dòng vốn đầu tư từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sức ép nổi lên là các quy hoạch tổng thể KCN truyền thống không còn ăn khớp với làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực công nghiệp, bởi phần lớn diện tích đất công nghiệp cho thuê trước đây là dành cho sản xuất và đây là điểm bất cập trước nhu cầu đầu tư rất lớn cho các trung tâm dữ liệu và logistics.
Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mô hình KCN ở Việt Nam đã lỗi thời. Để bắt kịp làn sóng đầu tư trong tương lai, cần có các mô hình KCN quy hoạch mới, hấp dẫn.
Các chuyên gia bất động sản khuyến nghị, các dự án KCN mới phải đánh giá cẩn thận các phương án quy hoạch tổng thể và phát triển tương quan với nhu cầu thực tế của thị trường, nhất là phải tính đến phân vùng đất công nghiệp cho các hạng mục logistics, kho lạnh, trung tâm dữ liệu và cả trung tâm nghiên cứu và phát triển.