Nhu cầu kho chứa hằng ngày càng tăng mạnh trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng nội địa vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.
Dòng chảy đầu tư vào lĩnh vực hậu cần Việt Nam tăng tốc nhanh kể từ thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: T.N.
Sức nóng của Logistics
Tại sự kiện “Diễn đàn CEO: xu hướng phát triển công nghiệp kho bãi tại Việt Nam” diễn ra sáng ngày 5-1, bà Bùi Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, JLL Việt Nam, đơn vị nghiên cứu tư vấn về bất động sản, cho biết trong 24 tháng qua đã có gần 3 tỉ đô la đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm Logistics hiện đại. “Con số này chứng tỏ Việt Nam đang có độ hấp dẫn lớn”, bà Trang đánh giá.
Trong vòng 4 năm qua, thị trường Logistics Việt Nam phát triển nhanh hơn kỳ vọng của đơn vị này. Ở giai đoạn năm 2016, lĩnh vực chỉ ở mức sơ khai (doanh nghiệp sản xuất tập trung thâm dụng vốn thay vì công nghệ, các ngành truyền thống…), nhưng đến năm 2020 thì Việt Nam đang được kỳ vọng đẩy nhanh mở rộng quy mô và tính hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Bà Bùi Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, JLL Việt Nam cho rằng sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đã “biến” Việt Nam thành “kho bãi” của thế giới chứ không chỉ đơn thuần là vận chuyển nội địa.
Thống kê cũng cho thấy có đến 26 thương hiệu quốc tế đã dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Với con số này, Việt Nam dẫn đầu nhóm quốc gia hưởng lợi từ sự thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế, tiếp đến là Đài Loan (11 thương hiệu). Do đó, theo đánh giá của JLL Việt Nam ngành logistics Việt Nam đang có viễn cảnh lạc quan khi nhiều nhà đầu tư quan tâm, bất chấp tác động của Covid-19 trong ngắn hạn.
Dòng vốn chảy vào lĩnh vực Logistics cũng ngày càng “nóng hơn” khi ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp về thép, chia sẻ rằng cứ 10 công trình mà đơn vị này thực hiện thì có đến một nửa là nhà kho cho hoạt động Logistics.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thương mại quốc tế, có thể thấy rõ qua tình trạng Container vỏ rỗng đang phổ biến hiện nay, nhưng với Việt Nam thì xuất khẩu lại là điểm sáng trong năm nay.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA), tình hình thương mại chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng có những điểm sáng. Vị Phó chủ tịch HĐQT của Transimex (đơn vị lớn hoạt động trong lĩnh vực Logistics) chia sẻ bên lề rằng kết quả đạt được trong năm qua của đơn vị này là ở chưa từng có trong lịch sử.
“Dù giãn cách xã hội thì hàng hóa vẫn phải di chuyển, con người vẫn phải sử dụng các nhu cầu thiết yếu. Chúng ta có thể không đến được siêu thị nhưng hàng hóa vẫn phải đến người tiêu dùng, đó là công việc của người làm Logistic”, ông Hiệp chia sẻ.
Sự kiện “Diễn đàn CEO: xu hướng phát triển công nghiệp kho bãi tại Việt Nam” diễn ra sáng ngày 5-1 tại Vũng Tàu do NS BlueScope Việt Nam tổ chức. Ảnh: T.N.
Lĩnh vực hậu cần được tăng đầu tư cũng mang đến “vận hội” mới cho nền kinh tế Việt Nam. Với các doanh nghiệp, khi chi phí Logistics giảm đi thì sức cạnh tranh sẽ tăng lên. Theo đại diện của JLL Việt Nam, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đã “biến” Việt Nam thành “kho bãi” của thế giới chứ không chỉ đơn thuần là vận chuyển nội địa. "Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam có thể nghĩ đến việc vươn ra khu vực", bà Trang đánh giá.
Cơ hội cũng đến với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics. Theo bà Trang, các chuỗi cung ứng nước ngoài sẽ không hoàn toàn vào Việt Nam vì chi phí cao, do đó sẽ có nhu cầu hợp tác với các chuỗi cung ứng trong nước.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam, chia sẻ thông tin tại hội thảo ngày 5-1.
Nhu cầu kho bãi cho tiêu dùng tăng lên
Theo bà Trang, đầu tư vào Logistics được chia thành hai mảng là phục vụ cho sản xuất hay xuất nhập khẩu và hoạt động lưu thông nội địa để tiêu dùng. Bên cạnh nhu cầu hậu cần cho sản xuất tăng cao, xu hướng mới trong thời gian tới sẽ đến từ hoạt động tiêu dùng, khi có sự chuyển dịch của mô hình bán lẻ dưới tác động của Covid-19.
“Trong vòng 10 năm tới thì tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ tăng 16 lần. Nếu như thu nhập tăng thì kéo theo nhiều hoạt động khác như thương mại dịch vụ”, bà Trang nhìn nhận.
Tương tự, ông Hiệp, đại diện VLA cũng nhìn nhận các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (Fulfillment center) cũng hiện là một xu hướng mới. Khái niệm mới này phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhờ hoạt động thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Nếu như nhà kho chỉ phục vụ cho hoạt động lưu giữ hàng hóa thì trung tâm này còn giúp đưa hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, tức là đã giảm chi phí hậu cần.
Theo các chuyên gia, các trung tâm Logistics cũng đang dần thay đổi từ truyền thống sang hiện đại, tức phục vụ cho đa nhu cầu và áp dụng cả các tiến bộ công nghệ vào hoạt động quản lý.
Tổng diện tích nhà kho theo các địa phương.
Hiện nay, một xu hướng mới cũng là đầu tư vào chuỗi cung ứng liên quan đến kho lạnh. “Có đến 25% tổng số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của chúng ta có yêu cầu bảo quản nhiệt độ thấp", ông Hiệp chia sẻ. Chuỗi cung ứng liên quan đến yếu tố trữ lạnh cũng là một dòng chảy mới đáng quan tâm khi nhu cầu vận chuyển, lưu trữ và phân phối vắc xin Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, xu hướng mới là tích hợp các công nghệ mới trong logistic như tự động hóa, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong tương lai.
Thống kê của JLL Việt Nam cho thấy chi phí cho chuỗi cung ứng chiếm đến 82% chi phí hậu cần với nhà sản xuất, trong đó bao gồm chi phí vận tải (50%)<, lưu kho (22%) và lao động khoảng 10%. Tùy vào trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp cần tính toán xây dựng hay thuê nhà kho nhất định để phục vụ hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất, bà Trang lưu ý với các doanh nghiệp sản xuất trong câu chuyện tính toán chi phí hậu cần.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên thị trường chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều điều phải cải thiện trong thời gian tới.
Theo đại diện JLL Việt Nam cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ thêm cho dòng vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng để tăng tính hiệu quả hơn. Đồng thời, hoạt động quản lý hàng thông quan cũng cần được cải thiện tăng cường tính hiệu quả của chuỗi cung ứng thông suốt với toàn cầu.
Tương tự, ông Hiệp, đại diện VLA lưu ý về nguồn cung trong tương lai khi các địa phương ít chú ý đến việc dành quỹ đất cho việc logistics, dù hiện naynhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã có quy hoạch để phát triển hệ thống trung tâm Logistics chuyên nghiệp như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng tàu, Cần Thơ, Hà Nội, TPHCM.
Hiện nay, xu hướng phát triển kho hàng tập trung trong các trung tâm logistics quy mô lớn. Theo định hướng của Nhà nước giai đoạn 2020 - 2030 sẽ phát triển 21 trung tâm Logistics trên phạm vi toàn quốc toàn quốc (theo Quyết định 1012 của Thủ tướng chính phủ ngày 8-7-2015).